Lần đầu được đặt chân đến Trường Sa, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động và cảm thấy tự hào. Đến với Trường Sa, tôi mới thực sự thấu hiểu, cha ông ta ngày xưa và những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay đã phải chịu những khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy rình rập như thế nào để ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo Song Tử Tây, điểm đến đầu tiên trong chuyến hải trình. Ảnh: THANH TÌNH |
Sáng ngày 10-5, Đoàn công tác số 15 gồm 201 thành viên đến từ thành phố Đà Nẵng và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước có mặt tại cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) để lên tàu Trường Sa 571 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) ra thăm các đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Lên tàu, sau khi hoàn tất việc chụp hình và lấy thông tin cho chuyến đi gửi về tòa soạn báo, tôi cùng những thành viên trong đoàn công tác háo hức dạo quanh tàu thăm các chiến sĩ hải quân, nơi làm việc, ăn nghỉ và cuộc sống trên tàu của họ. Đúng 8 giờ, tàu rời cảng Cam Ranh, dần đưa chúng tôi ra với Trường Sa. Biển rộng mênh mông, những ngọn núi dần khuất, xung quanh là bốn bề sóng vỗ. Chốc chốc chúng tôi lại lên boong hay ra mạn tàu để xem tàu đã đi đến đâu, nhưng bốn bề vẫn chỉ nghe tiếng gió và sóng cứ thế vỗ từng đợt lên thân tàu.
14 giờ chiều ngày 11 tháng 5, tàu chúng tôi có lệnh chuẩn bị cập đảo đầu tiên trong chuyến hải trình - đảo Song Tử Tây. Có lẽ, sau hơn 30 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, tôi cũng như mọi người đều háo hức xem đảo đầu tiên đoàn đặt chân đến như thế nào. Vậy rồi, tất cả các thành viên, không ai bảo ai, mang sẵn đồ dùng cá nhân ra đứng hết hai bên mạn tàu và trên boong. Ai cũng trong tâm trạng hồi hộp, háo hức, mong chờ, như sự đợi chờ để gặp những người thân yêu nhất. Kia rồi! Đảo Song Tử Tây hiện ra trước mắt với một mảng xanh của cây phong ba, cây tra phủ lên toàn đảo. Đến gần hơn là hàng tua-bin điện gió được sắp đặt ngay ngắn tạo nên một khung cảnh hùng vĩ mà nên thơ đến lạ. Ai ai trong đoàn cũng vội cầm máy ảnh, điện thoại, Ipad để ghi lại những hình ảnh đầu tiên về đảo. Nhiều người í ới gọi điện về cho người thân sau hơn 1,5 ngày trên tàu không có sóng điện thoại.
Tàu thả neo, đoàn hành trình lần lượt xuống xuồng để lên đảo. Cảm giác của tôi và toàn đoàn đầy hào hứng và sung sướng, quên mất sự chông chênh, mệt mỏi của những con sóng hay áo quần ướt sũng vì nước, vì mồ hôi để có thể ghi lại những hình ảnh đẹp nhất, chân thực nhất về đảo. Phía trước chúng tôi lúc này là các cán bộ, chiến sĩ của đảo Song Tử Tây đã xếp 2 hàng ngay ngắn đón đoàn. Những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt thân thiện khiến chúng tôi cảm nhận cán bộ, chiến sĩ ở đây như những người thân trong gia đình. Sau khi lãnh đạo các đoàn tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, chúng tôi di chuyển đến thăm nơi ăn, chốn ở, nơi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Cả đoàn ai cũng vui mừng vì trên đảo giờ đã có điện sinh hoạt, có sóng điện thoại để gọi về với gia đình, có các công trình xây dựng cơ bản. Các chiến sĩ ngoài việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu còn tăng gia sản xuất bằng việc chăn nuôi bò, lợn, gà, vịt, trồng thêm rau xanh để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đến mỗi điểm đảo, điều cả đoàn không quên đó là đến thăm và ghi lại những hình ảnh với các cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc - nơi xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống để hôm nay chúng tôi có cơ hội được đến và đứng trên mảnh đất này.
Tác giả trong chuyến tác nghiệp tại Trường Sa. |
Tiếp tục những ngày sau đó, chúng tôi lần lượt đến thăm các đảo Đá Thị, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le A, Đá Đông C, Trường Sa, Đá Lát và 1 nhà giàn DK1/12. Mặc dù tiết trời khắc nghiệt, tôi và toàn đoàn đã ngấm với nắng, gió, với muối biển và những chuyến hành quân rã rời nhưng không ai ở lại tàu, vẫn cố gắng để được đặt chân lên tất cả các điểm đảo. Vì biết nơi đó các chiến sĩ đang chờ đón chúng tôi và đó cũng là tình cảm nhỏ nhoi chúng tôi có thể làm được trong lúc này, vậy nên không ai bỏ cuộc cho đến điểm cuối cùng trong chuyến hải trình là nhà giàn DK1/12. Sáng 17-5, chúng tôi đến nhà giàn DK1/12. Trước khi lên nhà giàn, các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã thông báo cho những ai không đủ sức khỏe thì nên ở lại tàu. Ngay đêm trước đó, nhiều người lớn tuổi trong đoàn còn lo sợ mình không lên được thì sáng hôm sau, bằng tình yêu vô bờ bến với các chiến sĩ Hải quân, vượt qua nỗi lo ngại, họ đã đặt chân lên nhà giàn.
Nhà giàn DK1/12 đón chúng tôi trong nắng sớm tinh tươm, những chiến sĩ Hải quân chuyên nghiệp trong thao tác đưa từng người một trong đoàn lên nhà giàn, thậm chí, họ còn cầm giúp chúng tôi những chiếc máy ảnh hay máy quay để chúng tôi không vướng bận mà lên nhà giàn tác nghiệp một cách an toàn nhất. Nhà giàn sừng sững, hiên ngang giữa biển cả mênh mông. Bước những bước chân lên bậc thang đầu tiên, chúng tôi ai cũng tự hào và hạnh phúc. Sau những phút giây chào hỏi, chúng tôi đi thăm nơi sinh hoạt của các chiến sĩ, đặc biệt là vườn rau. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ đã gây dựng nên một vườn rau xanh tốt với đủ loại rau như ở đất liền.
Được đến thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 là khao khát cháy bỏng của rất nhiều người con đất liền. Và cũng chính vì thế, những người đến Trường Sa lần đầu luôn mang trong mình những cảm xúc nguyên vẹn, thiêng liêng và trân quý nhất. Suốt chuyến hải trình đã đi qua, chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự cương nghị trên từng gương mặt, ánh mắt, lời nói của cán bộ, chiến sĩ trên đảo và nhà giàn. Chính cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn và tình yêu với Tổ quốc đã tôi luyện ý chí của họ trở nên kiên cường hơn bao giờ hết.
Rời Trường Sa về với đất liền, mang theo trong mình những hồi ức, những kỷ niệm đẹp không thể nào quên, chúng tôi nhớ mãi làn da rám nắng, mặn mòi vị biển, nhớ nụ cười hiền hậu cùng ý chí kiên cường, niềm tin sắt đá của những cán bộ, chiến sĩ nơi biển đảo xa xôi. Và chúng tôi, bằng tình yêu của mình với đất nước, tự hứa sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và bằng mọi cách truyền ngọn lửa thiêng liêng của Trường Sa đến với người dân để cùng hiểu hơn về chủ quyền biển đảo và có những đóng góp thiết thực nhất cho Trường Sa.
THANH TÌNH