* Sửa đổi Luật Công an nhân dân trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết
Ngày 7-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Ảnh: TTXVN |
Trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ vào kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát hai chuyên đề tại hai kỳ họp trong năm.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2018.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với chương trình giám sát năm 2019 như tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng về tổng thể dự kiến chương trình giám sát năm 2019 của Quốc hội là phù hợp, bám sát quy định của Luật Hoạt động giám sát, gắn với những vấn đề bức xúc nổi lên được đại biểu và cử tri quan tâm. Một số ý kiến đại biểu đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát việc thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn và triển khai Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, đồng thời tăng cường hơn nữa khâu hậu giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát ở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Về nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ thêm về nội dung, phạm vi các chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến. Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất thêm một số các nội dung giám sát như về vấn đề bạo hành trẻ em, vấn đề chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi,…
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu tại tổ chiều 7-6. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
* Cùng ngày, Quốc hội đã nghe các báo cáo và thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, dự luật được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Công an nhân dân trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý; đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao việc Bộ Công an đã đi đầu và nghiêm túc trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc sửa đổi Luật Công an nhân dân trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Công an xã hiện nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Điều chỉnh thời hạn thuê đất đặc khu một cách hợp lý nhất Liên quan đến dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang nhận được nhiều ý kiến, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, sáng 7-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thế giới nhiều nước đã làm đặc khu, có nhiều nước thành công nhưng cũng có nước không thành công. Khi đưa ra dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, nhiều ý kiến nhân dân, trí thức, kiều bào góp ý là điều đáng hoan nghênh. “Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy không lo gì mất nước. Lắng nghe, tiếp thu ý kiến là điều cần thiết để điều chỉnh luật, tạo điều kiện tự do kinh doanh, phát triển bền vững, giữ vững chủ quyền, độc lập, tự do của đất nước một cách lâu dài, quyền lợi của quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe, điều chỉnh lại thời gian thuê đất một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, đây là đất thuê và thuê theo quy trình chứ không phải giao vĩnh viễn, nhượng tô, nhượng địa và rất tiếc là nhiều người hiểu nhầm điều này. Ngoài ra, cơ cấu nhà đầu tư phù hợp từng quốc gia với một tỷ lệ cần thiết chứ không phải một nước chi phối. Vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia phải gắn liền với nhau trong xây dựng đặc khu. “Mọi người đừng lo một quốc gia, một nước đầu tư độc quyền trong vấn đề này. Luật là khung tạo ra môi trường pháp lý cần thiết, còn quy định thuê đất 99 năm là trường hợp đặc biệt với đầu tư vốn lớn cho cơ sở hạ tầng, nhưng lắng nghe ý kiến bà con, của các cụ lão thành, của trí thức thì Quốc hội và Thủ tướng tiếp thu để điều chỉnh phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp khác bảo đảm quốc gia trường tồn, độc lập, phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. (Theo VOV) |
Quốc hội sẽ có nghị quyết giám sát Bộ trưởng thực hiện lời hứa sau chất vấn Kết thúc 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, trao đổi với báo chí về những vần đề liên quan đến chất lượng chất vấn và “hậu chất vấn”, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: Sắp tới, Quốc hội sẽ có nghị quyết thống kê tất cả những lời hứa của Bộ trưởng tại nghị trường từ trước tới nay, xem có bao nhiêu vấn đề được nêu và được thực hiện. Thống kê này sẽ được công bố và đó sẽ là áp lực buộc các trưởng ngành phải thực hiện. Vấn đề băn khoăn là rà soát vấn đề đưa vào nghị quyết giám sát đã thực hiện được đến đâu; đặc biệt là chưa có cơ chế xử lý đối với những người có trách nhiệm, nhưng không thực hiện những kiến nghị sau giám sát, kể cả với các Bộ trưởng. Bộ trưởng thì có Thủ tướng đánh giá, Quốc hội thì chỉ kiến nghị là Bộ trưởng này còn chưa thực hiện, chứ chưa có chế tài xử lý Bộ trưởng đã hứa mà không thực hiện. (Theo TTXVN) |
B.T tổng hợp