ĐNO - Đó là yêu cầu của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sáng 12-2. Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh THU HÀ. |
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa ghi nhận kết quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển ngành du lịch của thành phố. Thời gian qua, thành phố quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng, cơ sở vật chất; Đà Nẵng là điểm đến thu hút khách du lịch, đã xây dựng được các sản phẩm du lịch ấn tượng.
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19) gây ra hiện nay đã ảnh hưởng tới ngành du lịch. Vì vậy, cùng với tăng cường quản lý khách sạn, ngành du lịch và Hiệp hội Du lịch cần có chiến dịch quảng bá du lịch, quảng bá hình ảnh an toàn của Đà Nẵng. Ngay từ đầu, thành phố Đà Nẵng đã rất nghiêm túc, kỹ càng, sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch, không chủ quan.
“Chúng ta chuẩn bị tốt công tác phòng dịch, chính là cơ sở để nói rằng điểm đến Đà Nẵng an toàn. Song song với việc chuẩn bị, phòng dịch tốt, phải nêu được thông điệp Đà Nẵng đang an toàn và kiểm soát phòng dịch tốt. Các doanh nghiệp du lịch cần bình tĩnh, tiếp tục có hoạt động, xây dựng kế hoạch xúc tiến, chăm sóc khách tốt, tìm kiếm các thị trường khách mới.
Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, cần tìm phân khúc khách hàng có thu nhập cao hơn. Hơn lúc nào hết, đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng cần coi đây là một cơ hội để cơ cấu lại nguồn khách. Mong Hiệp hội tiếp tục nghiên cứu các mô hình ở các nước để có thể phát triển du lịch bền vững, minh bạch…”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, thành phố đang đứng trước những thách thức trong việc giải quyết hậu quả đầu tư nóng về bất động sản du lịch trong thời gian qua. Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, khi tăng trưởng về số lượng khách sẽ mở ra cơ hội cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, giữa tăng trưởng khách du lịch và phòng khách sạn chỉ nên ở số dư nhất định, việc mất kiểm soát trong quy hoạch, xây dựng khách sạn đã tạo nên những bất cập nhất định giữa khách du lịch và người dân địa phương. Do đó, phải có khuyến cáo trong xây dựng cho các chủ đầu tư.
Thành phố đang từng bước khắc phục vấn đề này, ưu tiên các dự án là các sản phẩm dịch vụ cho ngành du lịch, phải có chỗ cho khách tiêu tiền. Đà Nẵng đang tập trung đầu tư khu phi thuế quan, mua sắm, có thêm các sản phẩm du lịch mới, thực sự khác biệt để thu hút khách.
Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn với du khách. Ảnh THU HÀ. |
Tại buổi làm việc, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng nêu rõ những tác động của Covid - 19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường khách du lịch, cụ thể giảm từ 10-50% tùy theo thị trường khách du lịch.
Các thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á giảm từ 20-30%; các khách sạn có công suất phòng khai thác giảm từ 30-40% so với cùng kỳ, một số khách sạn công suất khai thác chỉ còn từ 10-20% và chủ yếu là các khách lẻ.
Các điểm đến du lịch công suất giảm mạnh, từ 30-40% so với cùng kỳ. Công suất khai thác của vận chuyển du lịch cũng giảm mạnh, chỉ còn từ 40-50% và gặp rất nhiều khó khăn trong khi đa số đều có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng...
Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị chính quyền thành phố thường xuyên cập nhật về tình hình dịch bệnh cho cộng đồng và doanh nghiệp du lịch được biết; kiến nghị các ban, ngành và cả hệ thống chính trị cùng hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn bằng một số chính sách cụ thể như: giảm tiền thuê đất của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong 2 năm, cho phép chậm nộp thuế quý 4-2019…; miễn giảm chi phí vé tham quan ở các khu điểm di tích do thành phố quản lý; thành phố có ý kiến với các hãng hàng không có chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành trong việc được hoàn hoặc dời phí cọc vé máy bay tới các thị trường có ảnh hưởng của dịch…
THU HÀ