Do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn quận Thanh Khê gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là các mô hình, cách làm hay vẫn được các địa phương, ngành triển khai quyết liệt, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Trong những năm qua, quận Thanh Khê đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đề án Quản lý thức ăn đường phố. Đây là đề án được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2017 với mục tiêu từng bước cải thiện điều kiện bảo đảm ATTP; nâng cao kiến thức, thực hành đúng về ATTP của người kinh doanh thức ăn đường phố. Tại quận Thanh Khê, tuyến phố kinh doanh thức ăn đường phố trên đường Hải Phòng (phường Tân Chính) được xem là mô hình điểm được triển khai theo đề án của UBND thành phố.
Theo bà Huỳnh Thị Thu An, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính, đây là những hộ dân kinh doanh vỉa hè trên đường Lê Duẩn, sau đó được hỗ trợ di dời, tìm địa điểm mới để thành phố triển khai đề án phố chuyên doanh trên con đường này. Hiện tuyến phố Hải Phòng có hơn 40 hộ dân đăng ký kinh doanh thức ăn đường phố với các loại thực phẩm như cháo, bún, mì, bánh canh...
“Trong những năm qua địa phương đã tập huấn kiến thức về ATTP cho các hộ dân, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí mua sắm bàn ghế, tạp dề, bảo hộ. Các hộ dân đều cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, ATTP khi kinh doanh, buôn bán”, bà An cho biết.
Theo UBND quận Thanh Khê, đề án Quản lý thức ăn đường phố trên địa bàn quận hướng tới mục tiêu 100% các phường có kế hoạch bảo đảm ATTP; 100% người kinh doanh thức ăn đường phố được cấp giấy xác nhận khám sức khỏe và 90% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đạt điều kiện bảo đảm ATTP theo Luật ATTP quy định.
Theo đó, tùy tình hình thực tế của địa phương, UBND các phường từng bước sắp xếp cho người dân có địa điểm kinh doanh cố định, vừa bảo đảm cách xa nguồn ô nhiễm như hố ga, thùng rác vừa bảo đảm an toàn giao thông, mỹ quan đô thị đồng thời tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra.
Quận cũng khuyến khích các địa phương kêu gọi, vận động, hỗ trợ người kinh doanh các trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ bảo đảm quy định về ATTP. Hiện UBND quận Thanh Khê đang giao 10 phường trên địa bàn quận tiếp tục triển khai mô hình điểm thức ăn đường phố theo mô hình trên tuyến đường Hải Phòng (phường Tân Chính) với thời gian hoàn thành trong quý 4-2020.
Không chỉ đẩy mạnh việc triển khai đề án Quản lý thức ăn đường phố, thời gian qua, các nhiệm vụ quản lý về ATTP vẫn được triển khai đều đặn, bất chấp tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo Phòng Y tế quận Thanh Khê, công tác tuyên truyền thời điểm trong và sau dịch bệnh vẫn được triển khai có hiệu quả, bảo đảm an toàn.
Các lớp tuyên truyền về Nghị định 115/2018/NĐ-CP, công tác phòng, chống dịch bệnh, Luật ATTP, thức ăn đường phố... được triển khai linh hoạt thông qua các lớp tập trung, xe lưu động, băng rôn, các phường phát tờ rơi. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn tuyến quận đã tăng cường kiểm tra 131 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuyến phường kiểm tra hơn 700 cơ sở được phân cấp quản lý. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng chợ ATTP đang được nhân rộng theo hướng đáp ứng bộ tiêu chí do UBND thành phố ban hành.
Theo ông Hồ Thuyên, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, do ảnh hưởng của Covid-19, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận tạm nghỉ một thời gian dài, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chỉ tiêu, kế hoạch kiểm tra ATTP trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2020. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ về công tác quản lý ATTP, một số bộ tiêu chí đánh giá về công tác này không còn phù hợp, gây khó khăn cho các ngành, địa phương.
“Xuất phát từ những khó khăn trên, địa phương cũng đã đề xuất Ban Quản lý ATTP thành phố hướng dẫn một số quy định mới, tham mưu cho UBND thành phố sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới để nhiệm vụ bảo đảm ATTP được triển khai có hiệu quả hơn”, ông Thuyên cho biết.
ĐẠI BÌNH