Đề xuất đưa hàng trăm công nhân xây dựng về quê

.

Do ảnh hưởng của Covid-19, hàng trăm công nhân, người lao động đang làm việc tại các công trình xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng bị “mắc kẹt” lại thành phố, có nhu cầu trở về quê. UBND thành phố Đà Nẵng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép công dân của các địa phương đang tạm trú tại Đà Nẵng được trở về nơi cư trú.

Một công trình xây dựng có quy mô lớn tại trung tâm quận Hải Châu đã tạm dừng hoạt động theo quy định về phòng, chống Covid-19. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Một công trình xây dựng có quy mô lớn tại trung tâm quận Hải Châu đã tạm dừng hoạt động theo quy định về phòng, chống Covid-19. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Theo ghi nhận của phóng viên, các công trình xây dựng nằm dọc các trục đường chính, có quy mô lớn, tập trung đông công nhân, người lao động, chủ yếu trên địa bàn các quận: Sơn Trà, Hải Châu và Liên Chiểu. Từ khi có quy định buộc tạm dừng toàn bộ hoạt động tại các công trường, các chủ đầu tư đều chấp hành. Cùng với việc dọn dẹp trang thiết bị, vật liệu, rào chắn..., hầu hết công nhân làm việc tại các điểm này đều được cho nghỉ. Khu vực xung quanh các công trường đều được đóng kín cửa ra vào, triển khai giăng dây và cảnh báo đầy đủ.

Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho biết, Sở đang phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương thống kê số lượng lao động và có phương án trợ giúp nhằm thực hiện theo đúng kết luận của lãnh đạo UBND thành phố tại Thông báo số 384/TB-VP ngày 13-8-2020 về việc hỗ trợ điều kiện ăn, ở, đưa người lao động tại các công trình xây dựng về quê nếu có nhu cầu.

Theo ông Tuấn, qua thống kê chưa đầy đủ tại 5/7 quận, huyện, hiện có khoảng hơn 350 công nhân, người lao động làm việc tại các công trình xây dựng có quy mô lớn (chưa kể số lượng công nhân thời vụ, lao động tự do) đang có nhu cầu về quê. Đối với việc bảo đảm quy định về ăn, ở, sinh hoạt cho công nhân, qua kiểm tra của Sở Xây dựng cùng UBND các quận, huyện cho thấy, các chủ đầu tư, nhà thầu và chủ sử dụng lao động đều thực hiện tốt. “Sở Xây dựng sẽ chủ trì, tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khảo sát cụ thể. Thành phố sẽ hỗ trợ thủ tục, liên hệ với các địa phương; còn kinh phí cho công nhân, người lao động trở về quê thì chủ yếu kêu gọi các chủ đầu tư công trình tính toán và hỗ trợ cho hợp lý”, ông Tuấn nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua kết quả kiểm tra của Sở khi phối hợp cùng UBND các quận, huyện cho thấy, người lao động cư trú tại các dãy trọ hoặc ở lại các công trình xây dựng... đều cơ bản chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Các trường hợp khó khăn đều được hỗ trợ kịp thời.

Đối với phương án hỗ trợ đưa người lao động về lại địa phương, Sở đã có văn bản tham mưu, trình UBND thành phố để thành phố có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo các địa phương khác chủ động tiếp nhận, đón công dân từ Đà Nẵng về quê; chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải mở một số tuyến đường sắt để phục vụ việc đưa công nhân, người lao động về địa phương.

Theo ông An, đề xuất đưa công dân về bằng đường sắt thuận lợi hơn đường bộ vì sẽ hạn chế được việc dừng, đỗ ở nhiều nơi. “Trước mắt, trong khi chờ chỉ đạo từ Chính phủ, Sở sẽ phối hợp UBND các quận, huyện triển khai tuyên truyền cho công nhân, người lao động nắm bắt thông tin. Trường hợp có khó khăn sẽ được hỗ trợ ngay.

Đồng thời, chúng tôi sẽ kết nối với Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành để nắm thông tin, lên kế hoạch bố trí số lượng và việc đưa đón, tiếp nhận cho phù hợp. Tất nhiên trước khi đưa công nhân, người lao động về quê thì họ đều phải được xét nghiệm đầy đủ”, ông Nguyễn Văn An cho biết thêm.

YÊN GIANG

;
;
.
.
.
.
.