Mặc dù là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng với địa hình phức tạp, miền Trung như chiếc “đòn gánh” gánh hai đầu đất nước, là nơi hứng chịu hầu hết các cơn bão lớn và lũ lụt lịch sử hằng năm. Miền Trung khốn khó lại càng khốn khổ hơn. Do vậy, các tỉnh, thành miền Trung rất cần Trung ương có những chính sách mang tính chiến lược để phòng chống và hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai đặc thù để bảo đảm an toàn, phát triển bền vững, sánh vai cùng với hai đầu đất nước.
Các phương tiện được huy động để khắc phục sạt lở, bảo đảm giao thông sau bão số 9 tại các tuyến đường ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PV |
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Vào ngày 10-11-2020, phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Thời gian gần đây, hiện tượng thiên tai, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn. Ngoài những thiệt hại về vật chất, chúng ta đau buồn khi thiên tai, bão lũ, các vụ sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội... Bão, lũ và sạt lở đất ở miền Trung hay ở vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên là do biến đổi khí hậu cực đoan, địa hình dốc đứng và do sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng… Chính phủ cũng sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về các đợt thiên tai vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ, đập thủy điện để có biện pháp chấn chỉnh. Đồng thời, triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; ban hành chiến lược ứng phó thiên tai...”.
Triển khai sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng, vào ngày 10-12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã giao cho Tổng cục Môi trường xây dựng đề án để trình Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là trả lại, phục hồi lại hệ sinh thái tự nhiên, bảo đảm sự cân bằng cho đất nước. Trước đó, vào ngày 5-12, phát biểu tại lễ trồng cây và tổng kết chương trình “Quỹ một triệu cây xanh cho Việt Nam” được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta cần sửa chữa, khắc phục những sai lầm trước đây trong cách đối xử với rừng và hệ sinh thái tự nhiên; cần hành động kịp thời để phục hồi, tái tạo rừng tự nhiên, rừng đại ngàn và thảm thực vật, hệ sinh thái tự nhiên để bảo vệ chúng ta và các thế hệ mai sau trước thảm họa, thiên tai, giữ cho cuộc sống được an toàn, phát triển kinh tế-xã hội được bền vững”.
Th.S Huỳnh Vạn Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng cho rằng: “Những tác động nặng nề của thiên tai trong thời gian qua tại khu vực miền Trung nói chung và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nói riêng chứng tỏ “mẹ thiên nhiên” đang phẫn nộ. Chúng ta phải thuận tự nhiên, ứng xử tử tế, hài hòa với thiên nhiên và cố gắng làm giảm những bất thường, dị thường của thiên tai đã xảy ra thời gian qua. Chẳng hạn, thay vì nghiên cứu xây đập trên sông Thu Bồn ở hạ lưu cầu Tứ Câu và xây đập trên sông Vĩnh Điện, chúng ta cần nghiên cứu giải pháp giải pháp trạm bơm và hệ thống dẫn nước từ khu vực Giao Thủy của sông Thu Bồn với giá thành rẻ hơn để cấp nước sinh hoạt cho thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng cũng như tránh “cưỡng bức” thiên nhiên.
TS. Lê Hùng, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Những năm qua, để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, nhiều tuyến đường đã được xây dựng và đã làm cản trở khả năng thoát lũ. Do đó, cần hạn chế xây dựng thệm các công trình cản trở thoát lũ, cản trở dòng chảy trên các sông. Chúng ta cần ứng xử tử tế, hài hòa với thiên nhiên”. Còn TS. Chu Mạnh Trinh, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đề nghị: “Trong thời gian đến, cần tiếp cận các giải pháp bảo tồn từ thượng nguồn xuống hạ lưu các sông, đặc biệt là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Hiện nay, chúng ta mới xem bãi biển chỉ là bãi cát, chưa xem bãi biển với tư cách là hệ sinh thái biển, nên cần tiếp cận, tích hợp bảo tồn biển, bảo tồn văn hóa vào trong quản lý lưu vực sông và phải quan tâm bảo tồn rừng tự nhiên”.
Cần đầu tư nguồn lực lớn cho miền Trung
Mặc dù có rất nhiều tiềm năng phát triển, nhưng kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung nói chung không bằng hai đầu đất nước do điều kiện thời tiết, tự nhiên có nhiều khó khăn, bất lợi. Mặt khác, hằng năm, nơi đây đều bị gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của các địa phương. Đặc biệt, trong năm 2020, với tác động “kép” của hai đợt Covid-19 và thiên tai liên tiếp kéo dài hơn hai tháng ròng, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đều có mức tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí có hai địa phương tăng trưởng âm (Khánh Hòa và Đà Nẵng). Với thiệt hại quá lớn về người, nhà cửa, sản xuất, cơ sở hạ tầng... và ước tính thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng do thiên tai, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum (ngoại trừ Đà Nẵng) đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 9.226 tỷ đồng để khắc phục dân sinh, hạ tầng thiết yếu và đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói; cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản... để nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Trao đổi Báo Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ, khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng thường xuyên bị thiên tai gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và sản xuất, nhất là về sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, do tác động của Covid-19 và tiếp đó là thiên tai kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Tại Quảng Trị, về GRDP, tỉnh chỉ đạt 3,63%, rất thấp so với kế hoạch đề ra 8-8,5%. Sau thiên tai, việc sản xuất và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hộ kinh doanh đều bị ảnh hưởng vì cơ sở vật chất và các điều kiện sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại. Tỉnh Quảng Trị đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách tín dụng ưu đãi cho tỉnh vay vốn (hoặc một gói vốn ODA) để xử lý khẩn cấp, khôi phục công trình phòng chống thiên tai, đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để đầu tư phát triển, giúp tỉnh từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư đến với tỉnh Quảng Trị nhiều hơn và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng: “Ước tính thiệt hại của tỉnh Quảng Nam do thiên tai vừa qua gây ra hơn 10.000 tỷ đồng. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh rất lớn nên đang rất cần có một gói kinh phí hỗ trợ lớn để khắc phục. Tỉnh cần được hỗ trợ một gói vốn ODA để khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với giá trị 100% vốn. Tỉnh Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung đều rất khó khăn, không có kinh phí đối ứng”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, trong cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng tại hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai, cho rằng do tính chất đặc biệt lịch sử và dị thường, thiên tai đã gây thiệt hại vô cùng lớn về sinh mạng người và kinh tế-xã hội tại các tỉnh miền Trung trong năm 2020. Nhưng thiên tai và biến đổi khí hậu được dự báo sẽ còn cực đoan hơn trong thời gian đến. Do đó, trong trung hạn và dài hạn, các tỉnh miền Trung cần bố trí lại cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chủ động, thích ứng với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, bộ đang tích cực xúc tiến các dự án ODA gồm: dự án khắc phục khẩn cấp cơ sở hạ tầng một số tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai (các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên) do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ 250 triệu USD (5.750 tỷ đồng) nhằm chi cho hoạt động sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên những công trình quan trọng nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai; dự án Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ khoảng 300 triệu USD (khoảng 6.900 tỷ đồng) và vận động Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ dự án Tư vấn, đánh giá toàn diện tình hình thiên tai và các tác động động đến Việt Nam. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương ở miền Trung tiến hành rà soát các công trình, dự án trung hạn giai đoạn từ năm 2021-2025 để kịp thời bổ sung, điều chỉnh và cụ thể hóa các nguồn lực, nội dung đầu tư tại miền Trung trong giai đoạn này. Tiếp tục đề nghị các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài ngành chia sẻ, hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau thiên tai...
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, giải pháp tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai ở miền Trung cần được nghiên cứu, triển khai tổng thể và huy động nhiều nguồn lực để thực hiện. Trước mắt, chú trọng hỗ trợ người dân sửa chữa, xây lại nhà ở bị hư hỏng, sập đổ, cuốn trôi đáp ứng các tiêu chí an toàn trước thiên tai và triển khai một số khu dân cư an toàn, kiểu mẫu sau thiệt hại nặng nề của sạt lở đất vừa qua. Hiện nay, đã có 2 doanh nghiệp tài trợ 25 tỷ đồng để xây dựng lại 2 khu dân cư an toàn kiểu mẫu, phục vụ tái định cư bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất cho các hộ dân ở 2 xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Bộ phối hợp với các bộ, ngành, hội, doanh nghiệp... để huy động nguồn lực xây dựng một khu dân cư an toàn, kiểu mẫu tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị... “Từ các mô hình nhà ở an toàn trước thiên tai, khu dân cư an toàn, kiểu mẫu nói trên, Bộ NN&PTNT và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sẽ đề xuất Chính phủ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm ở các địa phương lồng ghép với chương trình di dân vùng núi (có tổng kinh phí 100.000 tỷ đồng), chương trình xây dựng nông thôn mới cùng các chương trình khác để huy động tổng hợp các nguồn lực tái thiết, phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung nói chung và các vùng thiên tai nói riêng để thích ứng, sống chung với thiên tai, phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Huy động các nguồn vốn để tái thiết sau bão, lũ Vào ngày 13-12-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Công văn số 1765/TTg-NN yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung, hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân. Chủ động lồng ghép đầu tư công trình phòng chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương vận động các nhà tài trợ (ADB, WB, JICA,...) và lập đề xuất một số dự án vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án cấp bách khắc phục bão, lũ. Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn các mô hình nhà ở an toàn cho người dân vùng thường xuyên bị bão, lũ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh, bão, lụt khu vực miền Trung. Bộ Tài chính ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách cho khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí kinh phí ngay trong những năm đầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 -2025 cho các tỉnh bị thiệt hại nặng để khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, huy động các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bổ sung nguồn lực hỗ trợ khắc phục hậu quả, tái thiết sau bão lũ. |
HOÀNG HIỆP – THẢO NHI