Người Cơ tu chắt chiu nước sạch

.

Không chờ đến lúc dự án Nhà máy nước Hòa Liên khởi công, người Cơ tu ở các xã miền núi của huyện Hòa Vang mới nói nhiều về nước sạch hay nhắc nhở nhau chắt chiu từng giọt nước vốn đã không còn là “của trời”. Thói quen sử dụng tiết kiệm nước dần trở thành ý thức trong mỗi người, thay thế cho thói quen cũ, khi nước còn được dùng một cách vô tư.

Sông Cu Đê - nơi cung cấp nguồn nước cho Nhà máy nước Hòa Liên. Ảnh: KIM LIÊN
Sông Cu Đê - nơi cung cấp nguồn nước cho Nhà máy nước Hòa Liên. Ảnh: KIM LIÊN

“Nước đã không còn là của trời”

“Nước đã không còn là của trời” - nhiều người Cơ tu chúng tôi gặp, từ các huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang ở Quảng Nam cho đến các xã Hòa Bắc, Hòa Phú (thuộc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) từng nói như thế. Nguyên cớ của câu nói ấy, đến từ sự thay đổi trong việc cấp nước và sử dụng nước cho dân cư sống giữa núi rừng. Hai mùa hè liên tiếp, chúng tôi về Hòa Bắc, được “mục sở thị” người Cơ tu bắt cá niên từ những con nước từ thượng nguồn Cu Đê đổ về, đã theo chân người miền núi lội bì bõm trên suối Vũng Bọt, băng lên Khe Đương… Mới thấy, người Cơ tu dường như trân quý, giữ gìn nguồn nước từ rất lâu đời. Chỉ khác ở chỗ, nước họ nấu cơm, giặt giũ, tắm rửa… của hôm nay không thể cứ thế mà dùng ào ạt, vô tư như nhiều năm về trước nữa.

“Nguồn nước hôm nay là nước sinh hoạt được mua bằng tiền, không phải là nước vô tận từ con sông, con suối như ngày trước, sẽ không còn đó sự hào phóng, sử dụng nước vô tội vạ theo nếp sống cũ mà là tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Trương Thanh Nhân chia sẻ. Ông Nhân kể, nước ở xã được đưa từ thượng nguồn về. Khi Nhà nước đầu tư đường ống dẫn và giao người dân quản lý, ý thức về việc giữ gìn nguồn nước của bà con được nâng cao. Ngày trước, các thôn trên địa bàn đều có tổ tự quản nước sạch. Mỗi tổ cử 2-3 người có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý, bảo vệ đường ống. Mỗi tháng, người dân thôn đóng khoảng 10.000 -15.000 đồng cho tổ gọi là chi phí.

Mô hình tổ tự quản ấy giờ chỉ còn hoạt động tại 3 thôn là Nam Mỹ, Giàn Bí và Phò Nam. Hiện các thôn còn lại đều đã “bàn giao” nguồn nước và đóng tiền sử dụng nước do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty thủy lợi) khai thác, vận hành. Doanh nghiệp này quản lý nguồn nước; đầu tư bể lọc, hệ thống ống nước và bảo trì đường ống dẫn. “Giờ thì bà con “dùng nước trả tiền”, nhìn đồng hồ nước mà ước chừng. Giá sử dụng 2.000 đồng/m3. Dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Bà con còn khó khăn sẽ tự ý thức tiết kiệm”, ông Nhân nói.

Có cùng chia sẻ với ông Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý cho biết: “Nước sạch ở Hòa Phú là nước từ núi rừng Ngầm Đôi. Hệ thống được đầu tư đã lâu do công ty thủy lợi quản lý. Đáng mừng ở chỗ, bữa nay ý thức sử dụng nước tiết kiệm của bà con ngày một tốt dần lên. Sau 7 khối nước đầu miễn phí thì phải trả tiền nên người dân rất ý thức tiết kiệm nước”.

Đời sống người dân ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí vẫn còn khó khăn. Trong cái khó, họ dặn nhau tiết kiệm từng chút một, trong đó có tiết kiệm nước và tiền sử dụng nước. Chị Nguyễn Thị Mai (thôn Tà Lang) tâm sự, chị tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Cơ tu, thu nhập cũng thêm được phần nào cho mâm cơm, nhưng chưa thể đạt mức tốt. Mỗi mét khối nước, mỗi giọt nước từ van chảy ra tương đương đồng tiền trong túi cũng… chảy theo ít nhiều. Vậy là phải tiết kiệm. Mà không phải chỉ người lớn tiết kiệm nước, trẻ con cũng được ông bà, ba mẹ… nhắc nhở như vậy.

Chúng tôi tạt vào một quán tạp hóa nhỏ gần khu tái định cư Tà Lang - Giàn Bí để xin rửa xe sau khi chiếc xe máy vừa “đánh vật” với bùn đất sau trận mưa lớn. Chị chủ quán biết ý, chỉ tay về đường ống nước và khóa van nằm ngay sân trước. Vòi nước ở đó, khách vãng lai, người lớn, trẻ con cũng ở đó. Ngồi chừng 5 phút, đã thấy 1-2 đứa trẻ hiếu động xả nước ướt nhèm nhẹp và bị la ngay sau đó. Chị chủ quán cười phân trần với khách: “Các anh thông cảm, bọn nhỏ quen thói cũ, phải la. Chúng cứ thấy nước là nghịch, mà đâu hiểu nước này nước trả tiền chứ có phải nước sông, nước suối vô tội vạ. Ở đây, có nhà hứng nước vào lu đậy kín, vừa tránh động vật mà cũng tránh trẻ con nghịch”. Trước mặt chị, là con đường chạy về hai thôn Tà Lang - Giàn Bí, phía dưới là con suối sau mưa đang… đục ngầu.

Già làng Bùi Văn Siêng hứng nước sử dụng vào mùa nắng nóng. Ảnh: XUÂN SƠN
Già làng Bùi Văn Siêng hứng nước sử dụng vào mùa nắng nóng. Ảnh: XUÂN SƠN

Hy vọng từ thượng nguồn

Mấy năm qua, người dân hai thôn Tà Lang - Giàn Bí bất bình, bức xúc, lo âu trước tình trạng khai thác vàng trái phép ở khu vực Khe Đương. Mùa hè năm ngoái, chúng tôi ghé nhà già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí), nghe ông tỉ tê về nguồn nước, về con cá niên của núi rừng. “Bà con mình sợ ô nhiễm nước lắm chứ, lo ngại bao nhiêu hóa chất độc hại từ khai thác vàng có thể hòa vào nguồn nước bất kỳ lúc nào. Trẻ con tắm suối, người lớn bắt cá niên… có tiếp xúc cũng dễ bệnh. Suy cho cùng, chúng tôi trả tiền cũng chỉ mong nguồn nước được sạch, được bảo đảm lâu dài”, già Siêng nói.

Xuôi về vùng hạ lưu Hòa Liên, gần tròn 1 năm trước, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng khởi công dự án Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 với công suất 120.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư trên 1.170 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu của nhà máy là cung cấp bổ sung nguồn nước sạch với phạm vi mạng lưới phục vụ các khu vực quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, huyện Hòa Vang.

Theo thông tin từ UBND xã Hòa Bắc, nhiều hạng mục phụ trợ của dự án trên như đập dâng, đường ống dẫn nước thô… nằm trên địa bàn xã. Quan trọng hơn, nguồn nước từ thượng nguồn phía thôn Tà Lang được dẫn về sông Nam, hòa vào sông Bắc và chảy vào dòng Cu Đê - nơi cung cấp mạch nước cho Nhà máy nước Hòa Liên. Chất lượng nguồn nước chính là một trong những yếu tố căn cơ để nhà máy này vận hành ổn định.

Ông Trương Thanh Nhân cho biết, đã có những phương án đưa ra để cung cấp nước cho xã Hòa Bắc khi Nhà máy nước Hòa Liên được khởi công, trong đó có việc đặt hệ thống bơm xử lý nước sạch rồi đẩy ngược lên Hòa Bắc, hoặc đặt hệ thống xử lý nước ngay ở địa bàn xã… Đó là câu chuyện của tương lai gần, trước mắt vẫn là những giải pháp tình thế. “Nước hiện tại chảy từ đầu nguồn, được dẫn về qua bể lọc cát, bồn lọc.... Đặc biệt vào mùa mưa, nước từ đầu nguồn về đục ngầu. Mỗi lần như thế thì bà con lại càng lo lắng. Chúng tôi đã làm việc với phía công ty thủy lợi để họ nâng cấp bồn lọc, súc rửa bể… nhằm hạn chế ô nhiễm nguồn nước và đề nghị thành phố đầu tư nâng cấp bể lọc, đường ống… ”, ông Nhân cho hay.

Những ngày tháng 3, đi trên những con đường ở xã Hòa Bắc, nghe người dân bày tỏ hy vọng vào những đổi thay mới tốt hơn cho người dân ở xã. Từ phía Khe Đương, 29 hầm vàng trái phép được lực lượng liên ngành đánh sập nhằm mục tiêu bảo vệ các tiểu khu 27, 29 và 39 và khu vực thượng nguồn sông Cu Đê - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Hòa Liên. Hiện nhà máy đã thực hiện hơn 40% tiến độ thi công sau một năm chậm bởi thiên tai, dịch bệnh. Nỗi lo âu về nước sạch, phần nào đã vơi từ thượng nguồn Cu Đê, và cả hạ lưu nữa, nhường chỗ cho niềm vui và hy vọng về dòng nước sạch lành.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích