Phát động lần đầu tiên từ năm 2016 tại phường An Hải Bắc, đến nay mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Sơn Trà thực hiện hiệu quả trên khắp địa bàn quận, qua đó tạo nguồn kinh phí để giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn giúp bảo vệ môi trường và mang lại kinh phí để thực hiện công tác an sinh xã hội. TRONG ẢNH: Hội viên chi hội Phước Trường 2 (phường Phước Mỹ) đang thu gom vỏ chai, vỏ lon để gây quỹ giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: M.QUẾ |
Cứ 2-3 ngày, bà Trần Thị Hiển (trú tại phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) lại tiến hành thu gom lon nhựa, vỏ chai và giấy vụn tại chợ An Hải Đông và chở tới thùng đựng rác thải nhựa của Chi hội 4C (tổ 34 - 35, phường An Hải Đông) mà bà đang tham gia. Được biết, Chi hội 4C là một trong những Chi hội thực hiện mô hình tích cực nhất của quận Sơn Trà. Đây là chi hội có 100% hộ gia đình trong 2 tổ 34 và 35 tham gia. Năm 2019 và 2020, Chi hội 4C đã bán vỏ lon và chai nhựa với số tiền gần 30 triệu đồng.
Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Đông Đinh Thị Sơn Ca cho biết, các hộ gia đình ở 2 tổ 34 và 35 phần lớn là tiểu thương ở chợ nên rác thải từ hoạt động buôn bán tương đối nhiều. Bên cạnh đó, các hộ gia đình này cũng kêu gọi các tiểu thương ở chợ tham gia cùng. Trên địa bàn phường An Hải Đông hiện có 6 chi hội thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn (gọi tắt là mô hình) với 80% hộ gia đình tham gia. Qua 2 năm thực hiện, số tiền bán được từ các chai, lọ nhựa, thùng các-tông… gần 40 triệu đồng, trong đó phần lớn từ Chi hội 4C. Từ số tiền này, các đơn vị đã giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, tổ chức Tết trung thu, Tết thiếu nhi cho trẻ em nghèo.
Còn với Chi hội Phước Trường 2 (tổ 7-10, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), tuy mới thực hiện mô hình từ tháng 9-2020 nhưng cũng đã ghi nhận những kết quả tích cực. Chi hội trưởng Phước Trường 2 Phan Thị Chung cho biết, qua nửa năm thực hiện, chi hội đã thu gom được khoảng 20.000 vỏ chai, lon nhựa… với số tiền 3,2 triệu đồng. Chi hội đã sử dụng số tiền này để hỗ trợ các hội viên nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thùng đựng rác thải nhựa tại Công viên Cây Me (phường Phước Mỹ) cũng góp phần giúp giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi tại công viên.
Là một hội viên thực hiện mô hình thuộc Chi hội Phước Trường 2, chị Phan Thị Thu Nguyệt (trú tổ 7, phường Phước Mỹ) cho hay, gia đình chị bán quán giải khát nên có nhiều vỏ lon, vỏ chai. Khi chưa thực hiện mô hình, chị gom lại khoảng 4,5 ngày sẽ bán được 30.000 đồng tiền vỏ chai, vỏ lon với giá trị mỗi tháng khoảng 200.000 đồng. “Nhận thức được ý nghĩa của mô hình, tôi nghĩ bỏ ra 200.000 đồng/tháng để giúp đỡ phụ nữ hoàn cảnh khó khăn là điều mình có thể làm được nên ngoài việc đóng góp của mình, tôi còn kêu gọi thêm các hộ gia đình khác cùng thực hiện”, chị Nguyệt chia sẻ.
Theo Hội LHPN quận Sơn Trà, thời gian qua, Hội LHPN quận đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường quận tổ chức 21 điểm tuyên truyền, thu hút 1.680 người tham dự. Trong hai năm 2019 và 2020, Hội LHPN quận đã vận động 20.000 hội viên toàn quận đóng góp mỗi hội viên 2.000 đồng/năm để lắp đặt 20 thùng đựng rác thải nhựa tại các tuyến đường với kinh phí 80 triệu đồng. Qua 2 năm thực hiện, số tiền thu được từ mô hình hơn 277 triệu đồng với 149 chi hội tham gia, qua đó sử dụng để thực hiện công tác an sinh xã hội và phòng, chống Covid-19.
Chủ tịch Hội LHPN quận Sơn Trà Trần Thị Phương Mai nhận định, tuy đạt được những kết quả bước đầu, nhưng việc thực hiện mô hình vẫn còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể như việc phân loại rác chỉ dừng ở mức lưu giữ rác có khả năng tái sử dụng, tái chế, còn các loại rác khác: rác độc hại, túi ni-lon… chưa có hình thức xử lý hiệu quả sau khi phân loại. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên việc phân loại rác tại các hộ gia đình phần lớn là do phụ nữ đảm nhận, những thành viên khác trong đình ít có sự quan tâm. Vì vậy, để mô hình tiếp tục được nhân rộng, cần có giải pháp đồng bộ giữa tuyên truyền, phân loại, tập kết và thu gom giữa người dân và nhân viên thu gom theo kế hoạch để nâng cao hiệu quả; tăng cường lắp đặt thùng rác 2 hoặc 3 ngăn tại các khu vực công cộng để người dân dễ dàng tập kết rác sau khi phân loại và thu gom tại hộ gia đình.
MAI QUẾ