Cùng nhau bảo vệ rừng giáp ranh

.

Những năm qua, 279 hộ dân ở các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và xã Tư (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), chủ yếu là người dân tộc Cơ tu, gìn giữ, bảo vệ 26.583ha rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa, trong đó có 67 hộ đồng bào Cơ tu ở xã Tư đang bảo vệ an toàn các cánh rừng gỗ kiền kiền quý, rừng giàu cho Đà Nẵng.

Các lực lượng tuần tra, chốt chặn, bảo vệ rừng Cà Nhông.
Các lực lượng tuần tra, chốt chặn, bảo vệ rừng Cà Nhông.

1. Đi vào sâu trong rừng Cà Nhông (xã Hòa Bắc), không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều khoảnh rừng gỗ kiền kiền hàng chục năm tuổi, thậm chí có cây hơn trăm tuổi đang được bảo vệ tốt, gần như nguyên vẹn. Ít ai biết rằng, có 67 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu của tỉnh Quảng Nam đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ rừng gỗ quý này của Đà Nẵng và hơn 6 năm nay, không để một cây gỗ nào bị khai thác trái phép, đưa ra khỏi rừng.

Các cánh rừng giàu có nhiều cây gỗ kiền kiền quý giá ở giáp xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Để vào các cánh rừng này, phải đi vòng qua xã Tư. Nhằm bảo vệ rừng Cà Nhông nói chung và các cánh rừng gỗ kiền kiền quý nói riêng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã thành lập Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông ở giáp xã Tư với 6 cán bộ, kiểm lâm viên quản lý diện tích đến 4.658ha rừng. Trạm cách khu dân cư gần nhất 7km đường đồi núi gập ghềnh, lầy lội được hình thành bởi các vết bánh xe tải chở cây gỗ keo do người dân trồng, khai thác.

Các hộ đồng bào dân tộc Cơ tu đi tuần tra, bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán với Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phải trải qua chặng đường đầu dài 7km nói trên để vào trạm, trước khi vào rừng. Tuyến đường này chỉ khô khoảng 4 tháng trong năm, khó lòng đi được bằng xe máy, 8 tháng còn lại thì đầy bùn, nhão nhoét, thậm chí nhiều lúc đường tắc vì sạt lở núi, phải cuốc bộ. Đặc biệt, do đoạn đầu nhiều đá lởm chởm, chỉ cần lốp xe máy hơi non là bị bứt đứt chân van, dẫu có điện thoại di động cũng không thể gọi được thợ sửa xe máy vào thay ruột lốp xe vì cách Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông khoảng 4km là hoàn toàn không có sóng điện thoại.

Đoạn đường từ trạm vào rừng và trong rừng sâu chỉ có thể đi bộ với nhiều suối, khe và dốc cao liên tiếp. Đường tuần tra bảo vệ rừng được đặt tên là đường công vụ, nghe rất “oai” nhưng thực ra là tuyến đường phủ đầy lá mục đi giữa rừng cây được chặt, phát dọn những cành, nhánh cây chìa ra cho gọn để đủ 1 người đi qua. Nhiều đoạn phải luồn đi giữa rừng cỏ lau ẩm ướt cao quá đầu, vịn chặt vào các thân cây và dây leo để men theo những lối nhỏ vắt qua sườn vực sâu, dò dẫm từng bước chân vượt qua những bãi đất lỗ chỗ vết “ủi” của các đàn heo rừng tìm thức ăn...

Bên đường công vụ, những gốc cây kiền kiền cao lớn, sừng sững che kín khoảng trời, ánh nắng mặt trời chói chang không lọt xuống thảm lá mục. Những ngày mưa, đường trơn, nhão nhoét; các thân cây, dây leo cũng ướt sũng, trơn nhẫy và vắt rừng ẩn nấp dưới các lá cây mục nghe hơi người là bắn ra, bám vào người đi rừng khi vừa nghỉ chân để thở dốc.

Lực lượng kiểm lâm thông tin về đặc tính cây gỗ kiền kiền ở rừng Cà Nhông.  							     Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lực lượng kiểm lâm thông tin về đặc tính cây gỗ kiền kiền ở rừng Cà Nhông. Ảnh: HOÀNG HIỆP

2. Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức, hiểm nguy, những hộ đồng bào Cơ tu ở xã Tư đang nhận giao khoán bảo vệ rừng cho Đà Nẵng đều đặn tuần tra, giữ bình yên rừng gỗ kiền kiền quý. Ông Ngô Văn Lung (người đồng bào Cơ tu, thôn Ka Dong), trưởng một nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng cho biết: “Căn cứ theo kế hoạch của Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông và Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa gửi về hằng tháng, nhóm hộ phân công luân phiên nhau để tuần tra 4-5 đợt/tháng, mỗi đợt có 4-5 hộ nhận giao khoán tham gia. Vào mùa mưa, việc tuần tra bảo vệ rừng hết sức khó khăn, song chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng bảo đảm việc tuần tra để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng xâm hại tại khu vực rừng mà chúng tôi đã nhận giao khoán bảo vệ”.

Ông Nguyễn Văn Biết (người đồng bào Cơ tu, thôn Ka Dong) chia sẻ: “Bản thân tôi đều đặn 2 tuần/lần cùng với các thành viên trong tổ tiến hành tuần tra, bảo vệ rừng. Do rừng Cà Nhông ở giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, tỉnh cũng đang truy quét gắt gao, chốt chặn chặt chẽ kết hợp việc chúng tôi thường xuyên tuần tra, bảo vệ nên lâm tặc không thể vào rừng Cà Nhông để chặt phá rừng, nhất là các cánh rừng gỗ kiền kiền”.

Không chỉ có người lớn, những thanh niên trẻ tuổi cũng tích cực tham gia tuần tra bảo vệ rừng Cà Nhông. Anh Nguyễn Văn Quyết (thôn Ka Dong) tâm sự: “Khi đến chuyến tuần tra bảo vệ rừng đã được phân công, nếu ba, mẹ em bận việc thì các anh em trong gia đình sẽ đi thay. Mặc dù đồng lương nhận giao khoán không là bao nhưng đã nhận việc thì phải cố gắng hoàn thành. Hơn nữa, bảo vệ rừng chính là bảo vệ quê hương, bảo vệ một phần máu thịt của chúng tôi”.

3. Với số lượng kiểm lâm viên chuyên trách bảo vệ rừng quá ít, rừng thì rộng và giàu, quý, lại ở giáp ranh với tỉnh bạn, ông Trần Văn Ba (64 tuổi), nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông không nỡ thong dong nghỉ hưu ở quê nhà tại huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) nên đã ở lại, cùng ăn, cùng ở, cùng giữ rừng với các cán bộ, kiểm lâm viên tại trạm 5 năm nay. Đồng thời, ông là “cầu nối” giữa trạm với 67 hộ dân tộc Cơ tu và chính quyền địa phương nhằm bảo vệ, giữ gìn các cánh rừng gỗ quý ở rừng Cà Nhông. Ông Ba còn tham gia giám sát một nhóm gồm 32 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu ở xã Tư nhận giao khoán bảo vệ rừng theo đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng tại 3 tiểu khu 31, 33 và 37 (rừng Cà Nhông).

“Không chỉ 32 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu trong nhóm của tôi, mà 35 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu còn lại, nhất là những hộ đồng bào ở thôn Ka Dong (xã Tư) thực hiện dịch vụ bảo vệ môi trường rừng rất tốt, rất có trách nhiệm. Từ năm 2015 đến nay, các hộ dân đã góp phần bảo vệ, giữ gìn rừng, không để một cây gỗ quý nào bị lâm tặc đốn hạ, đưa ra khỏi rừng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là ở Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông chưa có nguồn cấp điện ổn định; trong khu vực dân cư và ở trạm cũng như rừng xung quanh trạm không có loại sóng điện thoại nào nên thông tin liên lạc rất khó khăn”, ông Trần Văn Ba nói.

4. Vừa qua, việc phát hiện 1 hầm chính và 2 hầm phụ mới được đào để khai thác vàng trái phép ở vị trí rừng sâu, hiểm trở tại Tiểu khu 39 thuộc khu vực rừng Cà Nhông vào đầu năm 2020 làm các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng và các kiểm lâm viên rất buồn. Từ thời điểm phát hiện cho đến khi các lực lượng vũ trang thành phố đến đánh sập hoàn toàn 3 hầm vàng trái phép, cứ mỗi tháng một vài lần, các kiểm lâm viên và người dân lại vào đây truy quét, phá hủy lán trại và các dụng cụ phục vụ đãi vàng trái phép, không để phát sinh thêm hầm khai thác vàng mới.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Cà Nhông Phạm Hùng chia sẻ, hơn 6 năm nay, nhờ có 67 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu ở xã Tư cùng tham gia nên rừng Cà Nhông được bảo vệ an toàn. Đơn vị còn phối hợp với các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng tuần tra dài ngày trong rừng sâu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm lấn, xâm hại rừng và phát hiện kịp thời các đối tượng đang đào hầm để khai thác vàng trái phép vào đầu năm 2020. Tuy hầm vàng trái phép bị đánh sập, nhưng đơn vị và các hộ dân tuần tra, bảo vệ rừng gắt gao hơn, nhất là các khu vực rừng sâu, hiểm trở để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm lấn, phá rừng...

Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng ở xã Tư, Hòa Phú và Hòa Bắc, chủ yếu là đồng bào Cơ tu tham gia bảo vệ rừng rất tốt. Hiện đơn vị đã thanh toán 100% kinh phí bảo vệ rừng năm 2020 cho các hộ dân với đơn giá thanh toán cho các hộ dân là 136.800 đồng/ha/năm, tổng kinh phí đã thanh toán là 2,552 tỷ đồng... “Kinh phí chi trả bảo vệ rừng cho các hộ dân dựa trên đơn giá và tổng diện tích rừng mà nhóm hộ đảm nhận, nhưng đơn vị cũng đã phân bố cho đồng đều.

Các hộ nhận giao khoán đã bảo vệ, gìn giữ rừng rất tốt. Từ chỗ bà con là người đồng bào Cơ tu sống ven rừng, việc tham gia nhận giao khoán bảo vệ rừng là sinh kế cho bà con, việc này còn cải tạo các hộ dân từ người xâm phạm rừng thành người bảo vệ rừng. Có nhiều cái lợi và ý nghĩa trong thực hiện đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng, trong đó, rừng được bảo vệ rất tốt”, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa Quách Hữu Sơn nói.

Thân thuộc với rừng

Bên cạnh hợp đồng giao khoán với 67 hộ đồng bào Cơ tu ở xã Tư để bảo vệ 3.969ha rừng Cà Nhông, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa còn hợp đồng với 2 nhóm gồm 150 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ tu ở xã Hòa Bắc để bảo vệ 10.465ha rừng; hợp đồng với 4 nhóm gồm 22 hộ dân ở xã Hòa Phú để bảo vệ 1.228ha rừng... Những hộ dân nói trên chủ yếu là đồng bào Cơ tu, sinh sống dựa vào rừng, lớn lên cùng những cánh rừng bao bọc quanh làng từ nhiều đời nay. Từng lối mòn, từng con khe nhỏ trong khu vực rừng được phân giao bảo vệ, bà con đều thân thuộc. Vì vậy, khi các hộ dân này nhận giao khoán bảo vệ rừng, trở thành lực lượng trợ giúp đắc lực cho lực lượng chuyên trách.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.