Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

.

Khi Covid-19 từng bước được kiểm soát, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, Việt Nam là địa chỉ tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đặt ra yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải kịp thời đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng thị trường lao động.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong giờ thực hành điện công nghiệp. Ảnh: T.V
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng trong giờ thực hành điện công nghiệp. Ảnh: T.V

Đón đầu làn sóng đầu tư

Theo thông lệ hằng năm, tháng 7 mới chính thức là mùa tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, thế nhưng năm nay, tình hình có sự thay đổi khi ngay từ đầu tháng 3, các trường nghề đã tích cực triển khai tuyển sinh.

Lý giải về điều này, ông Hồ Viết Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài khá lớn, vì vậy các trường phải khởi động công tác tuyển sinh sớm hơn.

Riêng tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, ngoài gần 150 doanh nghiệp ký kết với trường về việc đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, từ cuối năm 2019 đến nay, trường liên tiếp nhận thêm đơn đặt hàng đào tạo của một số doanh nghiệp lớn như Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC - Hoa Kỳ đầu tư), Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam... với số lượng không hạn chế. Đặc biệt, mùa tuyển sinh năm nay, trường lần đầu mở lớp đào tạo nghề hệ cao đẳng chất lượng cao với 3 ngành nghề: điện công nghiệp, sửa chữa ô-tô và điện tử. Điều khá thú vị là dù mới ở giai đoạn tuyển sinh nhưng có doanh nghiệp ký kết tiếp nhận toàn bộ số thí sinh ngành nghề này khi ra trường.

Trong khi đó, bộ phận tuyển sinh Trường Cao đẳng Phương Đông cũng bất ngờ trước đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp lẫn sự quan tâm từ thí sinh. Các nhóm ngành nghề có thế mạnh của trường như kỹ thuật ô-tô, công nghệ thông tin, điều dưỡng... năm nay tiếp tục thu hút sự quan tâm của cả phía nhà tuyển dụng lẫn thí sinh. Trong số này, nghề kỹ thuật ô-tô thu hút lượng lớn thí sinh nộp hồ sơ do nhà trường ký kết hợp tác với Nhà máy ô-tô Trường Hải, cũng như bảo đảm tiếp nhận sinh viên ra trường đạt loại khá giỏi trở lên sẽ được đi Nhật Bản làm việc. Vì vậy, từ đầu tháng 3-2021, nhà trường bắt đầu công tác tư vấn, hướng nghiệp, tiếp nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh cho năm học 2021-2022.

Trường nghề liên kết doanh nghiệp

Trên thực tế, từ cuối năm 2019, ngoại trừ các trường chuyên về đào tạo nghiệp vụ nhà hàng và du lịch có ít đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, thì các lĩnh vực kỹ thuật ô-tô, điện - điện tử, điều dưỡng, công nghệ thông tin, bảo trì thiết bị ngành dệt may... được nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo. Trong nhóm này, các trường cao đẳng như Giao thông vận tải Trung ương 5, Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi, Cao đẳng Bách Khoa... không chỉ được các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với số lượng không hạn chế mà các doanh nghiệp còn sẵn sàng hợp tác nhà trường trong quá trình thực hành nhằm hướng đến việc, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể về làm việc ngay, không mất thời gian đào tạo lại.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, không phải đến đầu năm 2021 mà ở thời điểm tháng 8, 9-2020, nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề về tuyển dụng lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật với số lượng rất lớn. Chỉ riêng Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine đã nhiều lần làm việc với Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng “bao tiêu” toàn bộ kỹ sư chuyên ngành về lĩnh vực nhà máy đang cần. Ngoài ra còn đặt hàng với Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cung cấp số lượng lớn công nhân kỹ thuật bậc cao để sẵn sàng cho việc mở rộng sản xuất trong thời gian đến.

Theo một lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2021 là 42.000 chỉ tiêu, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng 9.000 chỉ tiêu, trung cấp 2.800 chỉ tiêu, còn lại là hệ đào tạo nghề dưới 3 tháng. Thế nhưng, với việc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam được khống chế tốt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển mạnh mẽ vào Việt Nam, đã đặt ra bài toán tăng tốc đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Với hệ thống 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 18 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm dạy nghề và 35 cơ sở khác có quy mô tuyển sinh gần 60.000 chỉ tiêu mỗi năm, thành phố vẫn đảm nhận được việc đào tạo. Vấn đề còn lại là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nỗ lực hết mình không chỉ trong công tác tuyển sinh cho đủ số lượng, mà còn quyết liệt nâng cao chất lượng theo hướng “bắt tay” liên kết với doanh nghiệp để sinh viên ra trường làm việc được ngay. Hy vọng những cố gắng này sẽ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.