Nhiều năm qua, thành phố có nhiều cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người yếu thế trong xã hội vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) thăm và tặng quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong năm 2020. Ảnh: T.V |
Những phận đời thay đổi
Mỗi người một hoàn cảnh, có người bị bệnh tật hành hạ, có người là nạn nhân của bom mìn, tai nạn lao động, thậm chí vừa sinh ra đã bị dị tật... khiến họ thành những người yếu thế trong xã hội, phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và khó khăn. Thế nhưng, may mắn, họ nhận được nhiều sự quan tâm từ các cấp chính quyền, đến các tổ chức, cá nhân.
Tròn 9 năm trước - tháng 3-2012, bà Huỳnh Thị Lớn, 85 tuổi, cùng 53 hộ dân ở Làng Vân chuyển về tái định cư ở tổ 9, Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu). Trò chuyện với chúng tôi, bà chậm rãi kể: “9 năm về sống ở đây với chúng tôi là cả giấc mơ. Ngoài được sống trong ngôi nhà kiên cố, chúng tôi được chữa lành bệnh, mỗi tháng được hơn 1,3 triệu đồng trợ cấp và hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hai con tôi bỏ nghề đi rừng và bắt ốc để trở thành công nhân khu công nghiệp Hòa Khánh”. Chung tâm trạng, ông Đỗ Ngọc Ái, Phó ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 9, phường Hòa Hiệp Nam cứ xuýt xoa: “Các hộ từ Làng Vân vào đây đều có cuộc sống ổn định. Tất cả con cái đều được học hành, người lớn có việc làm ổn định. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất mà chúng tôi nhận được đó là chúng tôi không phải đón nhận ánh mắt sợ sệt kỳ thị, thay vào đó là sự thân tình, sẻ chia của cộng đồng”.
Câu chuyện của anh P.V.P ở xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) là một ví dụ. Sau tai nạn bom mìn, anh bị mất một chân và một mắt, từ thanh niên khỏe mạnh, bỗng trở thành người tàn phế, nhiều lúc anh muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng may mắn mỉn cười khi anh luôn có sự đồng hành giúp đỡ của chính quyền địa phương và cộng đồng, đặc biệt anh được Trung tâm Công tác xã hội thành phố mời đi học lớp kỹ thuật trồng nấm để mưu sinh. Bây giờ với anh mọi khó khăn đã qua, thậm chí anh còn giúp nhiều người cùng cảnh ngộ học nghề để tự nuôi sống mình. Anh tâm sự: “Khó khăn và mất phương hướng, có lúc tôi suy nghĩ rất tiêu cực, nhưng bây giờ thì mọi thứ đã thay đổi. Tôi như được sinh ra lần thứ hai. Xin cảm ơn tất cả!”.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố, trong những năm qua, thực hiện chính sách an sinh xã hội, hằng năm, thành phố hỗ trợ khoảng 33.000 người yếu thế trong xã hội. Ngoài ra, mỗi năm thành phố, các tổ chức xã hội cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho hàng ngàn người yếu thế được học những nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe và tuổi tác của mình, giúp họ có việc làm ổn định cuộc sống.
Chính sách vượt trội
Từ nhiều năm qua, không những thành phố có những quyết định “đột phá” trong việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, mà còn có nhiều chính sách nhân văn để giúp người yếu thế có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, ngày 7-12-2017, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết 134/2017/NQ-HĐND quyết định nâng mức trợ cấp hằng tháng cho các đối tượng xã hội từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng/người/tháng. Trước đó, ngày 28-8-2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND về chính sách nâng mức trợ giúp với đối tượng bảo trợ xã hội từ 210.000 đồng lên 270.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh mức nâng trợ cấp cao hơn quy định của Trung ương, thành phố còn ban hành nhiều chính sách riêng hỗ trợ đối tượng xã hội. Chỉ tính từ năm 2016 đến 2020, thành phố đã hỗ trợ 100% phí BHYT, chi phí khám chữa bệnh cho phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo; giảm tiền điện cho 44.000 lượt hộ khó khăn...
Song song đó, năm 2016 thành phố quyết định hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc diện nghèo có hoàn cảnh đặc biệt như người bị mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi, người khuyết tật... mỗi tháng từ 300.000 đến 500.000 đồng.
Kết quả, từ năm 2016-2020, thành phố duy trì hỗ trợ hằng tháng cho 16.000 lượt hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ đột xuất cho 2.850 lượt người mắc bệnh ung thư, suy thận; giúp 6.000 lượt phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt với tổng số tiền của chương trình gần 90 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH thành phố, đây không đơn thuần là các chương trình an sinh của thành phố, hướng đến những người yếu thế trong xã hội mà còn mang tính nhân văn rất đáng trân trọng. Qua đó cho thấy sự đồng cảm, sẻ chia khó khăn của chính quyền thành phố, các tổ chức cá nhân với những phận đời kém may mắn. Đặc biệt, các hoạt động này đã khởi dậy trong xã hội những suy nghĩ, việc làm đẹp hướng về người thiệt thòi, khó khăn để giúp họ vượt qua nghịch cảnh.
THANH VÂN