Tại Đà Nẵng, các cấp bộ Đoàn tập trung đẩy mạnh phong trào đồng hành thanh niên trong lập thân, lập nghiệp bằng nhiều giải pháp. Qua đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, truyền cảm hứng, cổ vũ thanh niên tự tin trong lao động, sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, an sinh xã hội địa phương.
Mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp
Thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp phát triển mạnh mẽ trên khắp địa bàn thành phố. Nổi bật, có thể kể đến mô hình khởi nghiệp nuôi chim cút của Nguyễn Thành Trung (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang). Năm 2017, Trung quyết định nghỉ việc lái xe tải, về quê nuôi chim cút.
Được các tổ chức Đoàn hỗ trợ đi học các lớp kỹ thuật nuôi chim cút, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và phân phối sản phẩm, Trung mạnh dạn đầu tư trang trại, học hỏi thêm cách làm ở những mô hình thành công. Nhờ nỗ lực, chịu khó, sau gần 5 năm, Trung phát triển được trang trại nuôi chim cút rộng gần 500m2 với quy mô khoảng 5.000 con. Mỗi năm, mô hình này mang lại doanh thu từ 480-500 triệu đồng, tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ.
Nguyễn Trịnh Cường (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cũng được biết đến là thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp với những sản phẩm chế phẩm dung dịch xà phòng, nước rửa chén, lau nhà từ rác hữu cơ. Theo Cường, mô hình này không mới bởi anh tiếp quản kỹ thuật làm các sản phẩm này từ mẹ.
Tuy nhiên, điều Cường làm được là vận dụng khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm bắt mắt hơn, dung dịch lên màu hơn, có mùi thơm và bảo đảm các tiêu chí an toàn, không độc hại khi đưa ra thị trường.
Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn phường Hòa Minh, Quận Đoàn Liên Chiểu và Thành Đoàn Đà Nẵng, các sản phẩm chế phẩm sinh học của Cường được UBND thành phố đồng ý cho Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xét nghiệm mẫu cũng như hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Năm 2008, được Quận Đoàn Liên Chiểu hỗ trợ 5 triệu đồng cùng với số tiền tích góp được trong quá trình làm việc, Lê Văn Hải (phường Hòa Hiệp Nam) bắt tay mở cơ sở quảng cáo Lê Nguyên. Từ cơ sở nhỏ lẻ thường nhận làm các biển hiệu đơn giản cho một số người dân quanh vùng đến nay, cơ sở của Hải mở rộng thị trường ra toàn thành phố, Huế và Quảng Nam, cho thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/tháng.
Hải còn nhận đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho hơn 10 lượt thanh niên tại địa phương. Hải nói: “Trước đây, mình làm rất nhiều nghề nhưng nhận thấy mình yêu thích nghề thiết kế quảng cáo nên chịu khó học hỏi và vay vốn khởi nghiệp. Khi cơ sở mới hình thành, chưa có nhiều mối quan hệ, Quận Đoàn Liên Chiểu đã giúp mình kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp cần quảng cáo để mình tiếp cận. Dần dần, nhờ làm tốt, người này giới thiệu người kia thành quen cơ sở mình được nhiều người biết đến, tin tưởng sử dụng dịch vụ”.
Năm 2006, Trần Quang Sơn (phường Hòa Khánh Bắc) mở cơ sở dịch vụ âm thanh, ánh sáng Thái Sơn. Vốn có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này nên khi mở ra, Quang Sơn đã có một lượng khách hàng ổn định. Quang Sơn chia sẻ: “Khi bắt tay vào kinh doanh, những người trẻ như mình cần có niềm đam mê, tiếp đến phải chịu khó tìm tòi, học hỏi và phải mạnh dạn làm mới có thể thành công.
Mình vừa vay vốn đầu tư dàn âm thanh hiện đại trị giá trên 2 tỷ đồng phục vụ công việc. Hiện cơ sở dịch vụ âm thanh, ánh sáng của mình đáp ứng được 7-8 sự kiện/ ngày. Mỗi tháng, từ các dịch vụ cho thu nhập trung bình 30-40 triệu đồng”. Không chỉ gầy dựng sự nghiệp cho bản thân, Quang Sơn còn tạo việc làm cho 4 thanh niên trên địa bàn với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Thời gian tới, Quang Sơn sẽ mở thêm cơ sở mua bán thiết bị âm thanh, ánh sáng để mở rộng thị trường và tạo việc làm nhiều hơn cho thanh niên địa phương.
Đồng hành cùng thanh niên
Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Huỳnh Thanh Bình nhìn nhận, dù các mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn chưa lớn mạnh nhưng cho thấy khát khao của thanh niên quận muốn khẳng định mình và muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Để hỗ trợ thanh niên, Quận Đoàn Liên Chiểu đang kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội quận để tìm nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp cần vốn mở rộng thị trường.
Cùng đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, nhiều năm trở lại đây, Thành Đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tập trung tổ chức các đợt festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành Đoàn cũng tổ chức các hoạt động triển lãm các sản phẩm, các đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải cao trong các cuộc thi, hội thi các cấp để hun đúc tinh thần, ý chí khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên.
Trung ương Đoàn chọn chủ đề năm 2021 là “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” để thúc đẩy phong trào này trong thanh niên. Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đề xuất: “Thành phố cần có một cơ chế rõ ràng đối với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Nên chăng phải thành lập nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp. Đồng thời, cần thành lập Ban Thẩm định các đề án, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên sao cho khi các đề tài, ý tưởng, đề án được chọn sẽ được bộ phận chuyên gia tư vấn ngay quy trình khởi nghiệp cũng như được hỗ trợ vốn kịp thời. Có vậy mới tạo được động lực để thanh niên dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp và phong trào khởi nghiệp của thanh niên thành phố mới phát triển vững chắc”.
THANH TÌNH