Thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, ngày 17-1-2018, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 408/KH-UBND triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác người có công với cách mạng. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh về vấn đề này.
Đoàn viên, thanh niên phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn thăm hỏi, động viên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Xự (SN 1938, trú tổ 21). (Ảnh chụp khi không có Covid-19). Ảnh: N.QUANG |
* Thưa ông, từ sau khi có Chỉ thị 14-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII, công tác người có công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có những chuyển biến như thế nào?
- Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TW và Kế hoạch số 42/KH-TU do Thành ủy Đà Nẵng ban hành ngày 1-12-2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người có công cách mạng, UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đến các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác người có công với cách mạng trên địa bàn.
Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng trong công tác người có công với cách mạng. Vì vậy, thành công nổi bật nhất thời gian qua là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị và hội, đoàn thể.
Sự phối hợp đồng bộ trong công tác người có công đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và các phong trào “đền ơn đáp nghĩa” của thành phố. Nếu như trước đây, khi nói đến công tác người có công thì chỉ nghĩ đến ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thì từ khi có Chỉ thị số 14-CT/TW, các hoạt động liên quan đến người có công đều có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội.
Điển hình như sự phối hợp rà soát hồ sơ tồn đọng và công nhận người có công của liên ngành LĐ-TB&XH, Nội vụ, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố… và chính quyền địa phương. Vì vậy, đến nay cơ bản không còn hồ sơ tồn đọng.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thành phố Đà Nẵng (Ban Chỉ đạo 515) có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Chỉ huy Quân sự, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và Hội Cựu chiến binh trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Điểm mới trong thời gian gần đây là việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ giám định ADN để tìm kiếm thân nhân cho mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính. Công việc này khó khăn nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là cơ hội giúp thân nhân tìm thấy hài cốt liệt sĩ của mình để tưởng nhớ và tri ân.
Bên cạnh đó, thành phố hoàn thành nâng cấp 9.400 mộ từ đá mài sang đá granite tự nhiên và thực hiện việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ theo quy định. Hiện nay, không còn mộ liệt sĩ khắc chữ “Liệt sĩ vô danh”. Nhiều nghĩa trang được tân tạo, khang trang, sạch đẹp.
Hội Cựu Chiến binh, Thành Đoàn và ngành LĐ-TB&XH thành phố vẫn tiếp tục duy trì nét đẹp trong nghĩa cử tri ân anh hùng, liệt sĩ thông qua hoạt động chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân, dâng hương vào ngày rằm và đêm 30 âm lịch hằng tháng.
Đặc biệt, công tác tham mưu ban hành các chế độ, chính sách phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của thành phố và nhu cầu của người có công đã chuyển biến tích cực. Ngoài Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND, thành phố ban hành thêm một số chính sách đặc thù riêng như Nghị quyết số 132,133/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết 196/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết 245/2019/NQ-HĐND; Nghị quyết 275, 276/2019/NQ-HĐND…
Hằng năm, thành phố chi cho công tác người có công hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 60 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ đặc thù với hơn 50.000 lượt người có công và thân nhân được thụ hưởng các chính sách. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người có công đau ốm thường xuyên, mắc bệnh hiểm nghèo, hộ người có công nghèo không còn sức lao động được trợ cấp khó khăn hằng tháng và đột xuất, đây là giải pháp căn bản giúp nhiều gia đình chính sách vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tặng quà cho vợ chồng thương binh Lê Công Thọ và Trần Thị Liễu (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). (Ảnh chụp tháng 1-2021). Ảnh: T.S |
* Hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất cho người có công là những điểm sáng trong công tác người có công. Ông có thể chia sẻ thêm về những việc làm mang đậm tính nhân văn này?
- Thành phố chú trọng công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Trung ương và chính sách đặc thù của Đà Nẵng tại Nghị quyết số 132/2017/NQ-HĐND. Kết quả, từ năm 2018-2020, 223 gia đình người có công được hỗ trợ tiền sử dụng đất với tổng kinh phí 7.454 tỷ đồng và 4.117 gia đình người có công được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở với tổng kinh phí 134,53 tỷ đồng.
Đặc biệt, mức hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà của Đà Nẵng cao hơn so với quy định của Trung ương. Theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức sửa nhà gia đình người có công là 20 triệu đồng. Đối với Đà Nẵng, thành phố hỗ trợ thêm những gia đình khó khăn, nhà ở hư hỏng nặng 10 triệu đồng và mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, cao hơn Trung ương quy định 20 triệu đồng/nhà.
Ngoài ra, từ năm 2019, Trung ương không còn hỗ trợ kinh phí để sửa nhà thì ngân sách thành phố vẫn bảo đảm. Trong 134,53 tỷ đồng dành cho việc hỗ trợ cải thiện nhà ở 3 năm qua, ngân sách là 130,07 tỷ đồng (chiếm 96,7%), Quỹ Đền ơn đáp nghĩa 3,6 tỷ đồng và vận động khác 860 triệu đồng. Riêng năm 2021, trong tổng số 830 nhà được hỗ trợ, có 172 nhà được vận động từ nguồn quỹ an sinh xã hội của Ngân hàng Công thương Việt Nam là 5 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, nguồn lực dành cho công tác người có công ngày càng được quan tâm theo hướng xã hội hóa và thể hiện được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
* Trong thời gian tới, mục tiêu chính của thành phố là gì để góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 14/CT-TW của Ban Bí thư khóa XII, thưa ông?
- Thời gian đến, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công; từng bước thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các nghị định mới ban hành; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, phát huy nội lực và truyền thống cách mạng từ các cấp ủy Đảng, các tổ chức, hội, đoàn thể, bản thân người có công và thân nhân…
Đồng thời, kết nối nguồn lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, góp phần giữ trọn vẹn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam. Trong đó, việc phát huy nội lực và truyền thống cách mạng, sự kết nối nguồn lực và sự tham gia của chính bản thân người có công và thân nhân… là những yếu tố quan trọng góp phần cho sự thành công trong công tác người có công với cách mạng trong thời gian đến.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
NGÂN THẢO - HOA TRƯƠNG
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, đồng thuận của các cấp, các ngành, các tổ chức và nhân dân là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng trong công tác người có công với cách mạng”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh |
Thành phố Đà Nẵng có hơn 18.000 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công hưởng trợ cấp thường xuyên theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài ra, thành phố còn có hơn 90.000 người có công với cách mạng hưởng trợ cấp một lần, 1.250 cựu thanh niên xung phong và 3.755 hội viên tù yêu nước. |