Vượt khó mùa dịch nhờ liên kết sản xuất

.

ĐNO - Thời gian qua, nhiều phụ nữ trên địa bàn thành phố cải thiện kinh tế gia đình, vươn lên vượt khó sau khi tham gia vào các tổ, nhóm liên kết, hợp tác xã do chính phái nữ làm chủ.

Ảnh: XUÂN SƠN
Giám đốc HTX Gà Nhơn Phát Phan Thị Vinh bên đàn gà thịt trong vườn nhà. Ảnh: XUÂN SƠN

Thoát nghèo từ nuôi gà thịt thả vườn 

Đứng giữa vườn gà thịt với 500 con được nuôi theo tiêu chí gà sạch thả vườn và chuồng rộng, sử dụng thức ăn tự nhiên là thóc, cám, rau, chị Lê Thị Kim Thuyên (thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị nuôi thêm 400 con gà giống mới để kịp cung ứng cho thị trường cuối năm. Chừ là gia cố, xây dựng, cơi nới chuồng nuôi rộng hơn, kiên cố hơn để gà có chỗ ở khô ráo qua mùa mưa, tránh bệnh tật”.

Theo chị Thuyên, tuy việc cung ứng gà thịt ra thị trường giảm gần phân nửa do dịch bệnh, số gà nuôi cũng giảm, nhưng vì gà có thương hiệu và sản phẩm tốt, nên chị lựa chọn cách nuôi giảm gà mỗi đợt lại và chia thành gà nhiều tháng tuổi.

Chị Thuyên là 1 trong số 11 thành viên của HTX Gà Nhơn Phát (thôn Thạch Nham Tây, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang). HTX được thành lập từ 3 năm trước do chị Phan Thị Vinh làm giám đốc. Chị Vinh kể, nhiều năm trước, chị nuôi gà thịt để cải thiện kinh tế gia đình, bắt đầu từ vài chục con rồi lên vài trăm. Chị chú trọng cải tạo sân vườn, chuồng trại để tạo không gian nuôi và ấp thêm gà giống cung ứng cho bà con trong xã.

“Nhận thấy nhiều chị em ở địa phương cũng nuôi gà thịt thả vườn có số lượng lớn như mình với thu nhập ổn định, tôi nảy ra ý định liên kết mọi người lại để cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm và có thương hiệu riêng. HTX Gà Nhơn Phát đã ra đời như thế”, chị Vinh cho biết.

Tham gia HTX này, trung bình mỗi hộ nuôi ít nhất 200 con gà thịt, có hộ nuôi đến 1.500 con xoay vòng, gối đầu theo năm. Dịp cao điểm, trung bình mỗi ngày có 80 con gà thịt được các chị cung ứng ra thị trường, đem về nguồn thu mỗi tháng 4-5 triệu đồng.

Với tiêu chí nuôi gà sạch thả vườn, mỗi lứa gà ở HTX bảo đảm nuôi đủ 6 tháng mới xuất chuồng. Sau khi thành lập HTX, các chị cùng liên kết, tìm kiếm nhiều nguồn cung cho sản phẩm, như các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn đặc sản địa phương…

Đang chăm sóc 300 con gà thịt, chị Phan Thị Vinh phấn khởi khoe, đầu năm 2021, thương hiệu Gà Nhơn Phát được chứng nhận nhãn hiệu được bảo hộ. Các chị đang làm các thủ tục thực hiện dán mã QR Code cho sản phẩm để truy xuất nguồn gốc và đăng ký sản phẩm OCOP.

“Chúng tôi mong rằng những nỗ lực này góp phần giúp các chị em trong xã có động lực vươn lên, phát triển kinh tế, khẳng định vị trí, vai trò bản thân trong gia đình, xã hội”, chị Vinh cho hay.

Được biết ở địa phương, nhiều hội viên phụ nữ đang làm công nhân, lao động chân tay, buôn bán đồ ăn sáng… mất thu nhập do dịch bệnh nay đang muốn được lấy giống và nuôi gà theo tiêu chuẩn của HTX. Chị Vinh cho hay sẽ cùng các chị em nhanh chóng tới khảo sát điều kiện chăn nuôi, có hướng hỗ trợ chị em cải thiện đời sống.

Cải thiện đời sống trong mùa dịch

Ảnh: XUÂN SƠN
Tổ lưới gia công xuất khẩu (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) giúp nhiều chị em vượt qua khó khăn về kinh tế trong mùa dịch. Ảnh: XUÂN SƠN

Chiều thứ 2 mỗi tuần là thời điểm chị em thuộc Tổ lưới gia công xuất khẩu (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đến nhà tổ trưởng Trần Thị Lộc để nhận hàng mới về làm. Chị Lộc cho biết, tổ của chị được lập từ năm 2013 đến nay, hiện tại có 45 tổ viên, công việc chủ yếu là gia công lưới nuôi, đánh bắt thủy sản cho một công ty Nhật Bản. Đều đặn mỗi tuần một lần, các chị nhập sản phẩm, hoàn thành cho công ty và nhận khung, lưới mới về để làm sản phẩm mới.

Là thành viên của tổ từ nhiều năm nay, chị Lương Thị Tuyết Sương cho biết, chị làm nội trợ, trước đây nhà chị là hộ nghèo, hai vợ chồng nuôi bốn đứa con ăn học, nguồn thu nhập chính từ chồng. Tuy nhiên, từ khi tham gia gia công lưới xuất khẩu tại đây, chị có thêm việc làm, giúp gia đình có thêm nguồn thu khoảng 5 triệu đồng/tháng. Từ đó gia đình chị thoát nghèo, có đồng ra đồng vào.

“Đợt này, các con tôi tham gia làm cùng mẹ, nguồn thu tạm giải quyết được một số vấn đề khó khăn trong mùa dịch. Đan lưới như ri không lo hết hàng, không lo mất việc, lại hỗ trợ kinh tế gia đình", chị Sương chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Sương, các hội viên khác của tổ đã cải thiện kinh tế, vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh. Nhiều chị xem đây là công việc chính. Tổ trưởng Trần Thị Lộc cho hay, đa số chị em hội viên đều lớn tuổi so với độ tuổi lao động, một số đang là nội trợ tại nhà. Công việc này đòi hỏi một xíu khéo léo, cần cù, vừa có thể chăm lo cho gia đình, vừa có thêm kinh tế, phù hợp với các chị em. Nếu làm đều đặn, mỗi người có thể thu về đến mức 7-8 triệu đồng/tháng.

“Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, ảnh hưởng đời sống và thu nhập của người dân hiện nay thì công việc của tổ lưới gia công xuất khẩu đã góp phần giúp chị em hội viên vượt qua khó khăn. Nếu những hội viên phụ nữ khác có nhu cầu tham gia, chúng tôi vẫn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn học nghề và cho họ nhận hàng gia công, góp phần tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập”, chị Lộc cho biết.

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.