ĐNO - Chiều 14-8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan đến việc Đà Nẵng sẽ dừng tất cả các hoạt động trong thời gian 7 ngày để thực hiện các giải pháp ngăn chặn, kiểm soát Covid-19 (từ 8 giờ ngày 16-8 đến 8 giờ ngày 23-8).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về việc Đà Nẵng sẽ dừng tất cả các hoạt động trong thời gian 7 ngày. Ảnh: LÊ HÙNG |
Xét nghiệm khoảng 100.000 người/ngày để loại F0 ra khỏi cộng đồng
Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp mạnh, Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, bao phủ toàn thành phố để tìm và đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng.
Song song đó, khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực, quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Ngoài việc lấy mẫu theo kế hoạch trước đó, ngành y tế tổ chức lấy mẫu tất cả đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố với tần suất 2 lần/tuần. Như vậy, trong 7 ngày dừng tất cả các hoạt động, ngành y tế dự kiến sẽ lấy mẫu xét nghiệm hơn 600.000 lượt người.
“Quan điểm của chúng tôi là không để bỏ sót trường hợp nào không được lấy mẫu xét nghiệm. Để thực hiện nhanh chóng và tránh tình trạng tập trung, ngành y tế thực hiện lấy mẫu theo hình thức cuốn chiếu từng tổ dân phố. Đồng thời, ngành y tế huy động toàn bộ 9 labo xét nghiệm tham gia chiến dịch này. Với việc xét nghiệm bằng hình thức mẫu gộp, mỗi ngày thành phố có thể xét nghiệm khoảng 100.000 người”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến khẳng định.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến cho biết, thành phố hiện có khoảng 6.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó có 300 giường hồi sức với đầy đủ phương tiện y tế hiện đại.
“Nếu số bệnh nhân mắc Covid-19 mới và số ca bệnh nặng vượt quá số giường bệnh hiện có, ngành y tế sẽ gặp khó khăn trong công tác điều trị, không thể chăm sóc tốt cho các bệnh nhân. Vì vậy, người dân cần đồng thuận cùng thành phố, thực hiện tốt biện pháp giãn cách nhà cách nhà để không phát sinh nhiều ca mắc mới”, bác sĩ Yến nhấn mạnh.
Hiện nay, ngành y tế phân tầng điều trị. Theo đó, bệnh viện dã chiến có khoảng 2.000 giường, Bệnh viện Hòa Vang có 200 giường điều trị cho bệnh nhân mang thai, bệnh nhi và bệnh nhân chạy thận. Bệnh viện Phổi có quy mô 100 giường, xây dựng toàn bộ giường hồi sức và tiếp tục mở rộng khu vực để bố trí 120 giường. Đội ngũ xe cấp cứu bảo đảm phục vụ yêu cầu chuyển bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục triển khai chiến lược tiêm vắc-xin đầy đủ, kịp thời và xuyên suốt. Trong thời gian 7 ngày tới, ngành y tế vẫn tổ chức tiêm vắc-xin cho những đối tượng đã có danh sách. Việc thông báo địa điểm, thời gian được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
Bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Thị Kim Phương, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến tận tổ dân phố, người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian tạm dừng các hoạt động, việc người dân mua hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm đều phải thông qua tổ cung ứng tại khu dân cư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã làm việc với đại diện các siêu thị, cửa hàng, đơn vị cung cấp hàng hóa để bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho người dân trong 7 ngày tạm dừng tất cả các hoạt động.
Theo đó, Sở Công thương và các siêu thị, cửa hàng điều phối hàng hóa về quận, huyện, phường, xã. Tại đây, các tổ cung ứng khu dân cư tiếp nhận và phân phát đến từng hộ gia đình theo yêu cầu từng danh mục hàng hóa.
Song song đó, Sở Công thương tổ chức xe lưu động đưa hàng hóa cung cấp bán lẻ đến tận phường, xã, khu dân cư để bán cho người dân nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, thành phố sẽ khôi phục lại chợ đầu mối và chợ truyền thống đối với “vùng xanh”. Tuy nhiên, người dân muốn mua hàng phải thông qua tổ cung ứng khu dân cư.
“Ngoài việc xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân, thành phố vận động 30.000 suất quà để trao cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 7 quận, huyện trước khi tạm dừng tất cả các hoạt động. Hy vọng trong khoảng thời gian thực hiện quyết liệt các biện pháp mạnh, thành phố sẽ đưa tất cả các F0 ra khỏi cộng đồng, sớm khống chế dịch bệnh và phân định ra các khu vực xanh”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.
LÊ HÙNG