ĐNO - Lũ trên sông Vu Gia và sông Yên đang xuống chậm, đến sáng nay còn ngập một số đoạn đường thấp ven sông ở huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ. Lũ trên các sông Túy Loan, Cu Đê cũng đang xuống. Từ nay đến ngày 25-10, Đà Nẵng còn có mưa to với tổng lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi hơn 120 mm.
Đoạn thấp trũng của tuyến đường Thăng Long, quận Cẩm Lệ vẫn còn bị ngập nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Lúc 4 giờ sáng 24-10, lũ trên sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch đạt đỉnh ở mức 4,74 m rồi xuống chậm với tốc độ hạ thấp chỉ 3 cm/giờ. Trước đó, lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa cũng đạt đỉnh ở mức 7,68 m lúc 1 giờ sáng cùng ngày, dưới mức báo động (BĐ) 2 là 0,32 m rồi xuống rất chậm.
Từ rạng sáng 24-10, các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4 cũng đã chuyển sang vận hành giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia. Đến 6 giờ sáng, tổng lưu lượng xả lũ về hạ du sông Vu Gia còn 920 m3/s.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự kiến đến 13 giờ ngày 24-10, lũ trên sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa xuống mức 7,4 m, cao hơn mức BĐ 1 là 0,7 m và tiếp tục xuống chậm.
Mưa rất to ở khu vực rừng Sơn Trà làm nước từ khu vực suối Đá tràn ra ngã tư tuyến đường Lê Văn Lương - Lương Hữu Khánh. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên từ nay đến ngày 25-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Đà Nẵng và phía bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng phổ biến từ 50-100 mm, có nơi hơn 120 mm.
Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên còn có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm, có nơi hơn 250 mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
HOÀNG HIỆP