Phòng, chống Covid-19: Chuyện giờ mới kể

.

Là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19, trong hai năm qua, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế gần như không ngơi nghỉ để truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân. Chuyện bây giờ mới kể... Ngoài những câu chuyện chuyên môn với nỗ lực giành giật sinh tử, đằng sau những đôi mắt biết nói là nhiều câu chuyện xúc động được viết bằng những cử chỉ, hành động thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, lòng yêu nghề xuất phát từ trái tim...

Với tần suất xét nghiệm diện rộng liên tục nên thời gian qua, hầu hết cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm của CDC Đà Nẵng không có thời gian nghỉ ngơi. 				              Ảnh: LÊ HÙNG
Với tần suất xét nghiệm diện rộng liên tục nên thời gian qua, hầu hết cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm của CDC Đà Nẵng không có thời gian nghỉ ngơi. Ảnh: LÊ HÙNG

Bài 1: Những tổ công tác đặc biệt

Đầu tháng 5-2021, Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng với biến chủng mới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố huy động tổng lực lượng bước vào cuộc chiến mới đầy cam go, vất vả. Tất cả phải vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để chạy đua với thời gian, kịp thời ngăn chặn SARS-CoV-2 lây nhanh ra cộng đồng.

Vào tận giường bệnh, đến từng điểm nóng

Những ngày đầu tháng 10, khi số ca mắc Covid-19 mới tại Đà Nẵng chạm đáy, chúng tôi mới có thể gặp được cán bộ, nhân viên Tổ truy vết, điều tra thông tin F0 (CDC Đà Nẵng). Bác sĩ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Đà Nẵng) vừa dùng dầu xoa cái lưng đau, vừa tâm sự: “Áp lực và liên tục thay đổi nhịp sinh học nên chúng tôi có phần mệt mỏi, căng thẳng thần kinh.

Trong năm 2020, sau vài ngày chạy đua, anh em còn có khoảng trống để hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, khi Covid-19 tái bùng phát lần này, anh em phải “chạy” xuyên suốt trong thời gian dài. Nhiều ngày, số ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng liên tục tăng cao, anh em truy vết không có thời gian ăn uống chứ đừng nói đến việc nghỉ ngơi”.

Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tam Lãm cũng là tâm trạng chung của gần 40 cán bộ, nhân viên trong Tổ truy vết, điều tra thông tin F0 (CDC). Bởi bất kể giờ giấc, khi nhận thông tin ca dương tính, họ phải liên hệ ngay trường hợp F0 để trấn an và khai thác thông tin, thu thập lịch trình di chuyển, tiếp xúc... Sau khi có được thông tin, tổ truy vết liên hệ trung tâm y tế quận, huyện và trạm y tế phường, xã phối hợp truy tìm, xác minh; lấy mẫu, đưa đi cách ly tập trung F1; xác định, yêu cầu F2 cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà... Trong quá trình truy vết, có người bệnh trả lời lấp lửng, cán bộ, nhân viên CDC thành phố phải mang đồ bảo hộ, vào tận giường bệnh thuyết phục; nhiều lần tìm gặp người thân để hỏi thêm thông tin dịch tễ.

Khi biết mình dương tính với SARS-CoV-2, hầu hết ai cũng lo lắng, hoang mang và bận rộn. Họ vừa dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ đạc để đến bệnh viện điều trị, vừa lo lắng cho người thân, bạn bè phải đi cách ly tập trung. Có nhiều cuộc gọi chỉ nghe tiếng khóc, sự hoảng hốt từ đầu dây bên kia. Hiểu rõ điều này nên lời đầu tiên anh em truy vết gửi đến trường hợp F0 là động viên, an ủi, đồng thời khẳng định năng lực điều trị của thành phố rất tốt để họ lạc quan, tự tin, yên tâm hợp tác.

Sau khi nhận thấy tâm lý họ đã phần nào ổn định, cán bộ, nhân viên Tổ truy vết, điều tra thông tin F0 mới chuyển sang khai thác yếu tố dịch tễ. “Mình phải làm sao để họ hiểu việc khai báo đầy đủ yếu tố dịch tễ góp phần sớm khống chế dịch bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng. Đối với những trường hợp do quá hoang mang, không nhớ hết, anh em lại động viên khi nào ổn định, nhớ lại thì bổ sung thêm để công tác truy vết được thực hiện kịp thời, chính xác, tránh bỏ sót trường hợp nguy cơ cao ngoài cộng đồng”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm nói.

Trong thời điểm Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, hàng chục điểm nóng, ổ dịch cùng lúc xuất hiện, Tổ điều tra, truy vết của CDC Đà Nẵng phải đi trước, đón đầu để xác định mức độ, phạm vi nguy cơ. Họ là lực lượng tiên phong, đi đầu vào các điểm nóng để khảo sát, đánh giá, tạo cơ sở quan trọng để địa phương, lãnh đạo thành phố có quyết định chính xác. Thành viên của tổ không có khái niệm thời gian, ra sức chạy đua với dịch bởi biến chủng Covid-19 mới phát tán mầm bệnh nhanh hơn trước. Các nhân viên điều tra, truy vết thường xuyên phải mang đồ bảo hộ, di chuyển đến nhiều địa điểm cách xa nhau.

Sáng 27-8, phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) trở thành điểm nóng khi ghi nhận 42 ca mắc Covid-19. Ngành y tế thành phố thành lập các tổ điều tra dịch tễ, cử lực lượng đi thẳng vào kiệt, hẻm để xem xét, nhận định, đánh giá tình hình, từ đó tham mưu địa phương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. “Sau khi xem xét điều kiện môi trường, sinh hoạt và việc chấp hành giãn cách của người dân, tổ điều tra dịch tễ xác định nguy cơ bùng phát dịch lớn nên tham mưu các đơn vị, địa phương thiết lập vùng cách ly y tế, xử lý nhanh nguồn rác thải và tổ chức di dân đến nơi an toàn. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, điểm nóng Tam Thuận được xử lý, số ca mắc Covid-19 mới giảm dần về số 0. Việc có mặt tại hiện trường để xác định ranh giới, phạm vi phong tỏa và điều tra chặt chẽ dịch tễ đóng vai trò quan trọng trong công tác khoanh vùng, dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm nhìn nhận.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, khi có thông tin về ca bệnh hay có dấu hiệu dịch tễ, Tổ truy vết, điều tra thông tin F0 chia ra các nhánh phối hợp các địa phương, y tế cơ sở đi điều tra, nắm thông tin, truy vết, lấy mẫu, xâu chuỗi để kịp thời đưa ra phương án dập dịch triệt để, hiệu quả nhất. “Những tên người, đường đi, lối lại, lịch trình đều được lực lượng truy vết ghi chép cẩn thận, đầy đủ. Đây chính là cơ sở cho việc xác định chính xác trường hợp cách ly và theo dõi sức khỏe”, bác sĩ Thạnh khẳng định.

Chạy đua với số mẫu kỷ lục

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, CDC Đà Nẵng phải đối mặt với áp lực xét nghiệm số lượng mẫu ngày càng tăng. Để có thể đưa ra kết quả xét nghiệm sớm, chính xác nhất, đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, lực lượng xét nghiệm phải làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm. “Dù khuya hay sớm, cứ tiếp nhận mẫu bệnh phẩm thì đơn vị xét nghiệm ngay.

Với tần suất xét nghiệm diện rộng, liên tục nên thời gian qua, hầu hết cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm của CDC Đà Nẵng không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ tính từ ngày 10-7 đến nay, CDC Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm cho gần 3,36 triệu lượt người. Có những ngày, CDC Đà Nẵng tiếp nhận và xét nghiệm cho hơn 138.000 lượt người. Đây là con số xét nghiệm kỷ lục từ trước đến nay trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh nói.

Hơn 30 cán bộ, nhân viên xét nghiệm của CDC Đà Nẵng phần lớn là nữ, có con nhỏ. Từ khi bước vào cuộc chiến chống Covid-19, họ phải gửi con, nhờ người thân, hàng xóm trông giúp để chủ động bám trụ tại đơn vị, phòng xét nghiệm... Điều đó cũng đồng nghĩa mấy tháng liền, nhiều nhân viên xét nghiệm không có bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Không chỉ vậy, cán bộ, nhân viên xét nghiệm cũng ít khi có được một bữa cơm trọn vẹn vì có những lúc, vừa mở hộp cơm ra, họ lại phải bước vào phòng xét nghiệm để phân tích những mẫu bệnh phẩm nghi ngờ vừa chuyển lên.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (CDC Đà Nẵng) và chồng đều công tác cùng đơn vị nên đợt dịch cao điểm vừa qua phải gửi con nhỏ cho người thân chăm sóc để yên tâm công tác. Có phần mệt mỏi sau thời gian dài bám trụ tại phòng xét nghiệm, chị Thanh Nhàn tâm sự: “Có những lúc 1-2 giờ sáng, thậm chí 3-4 giờ sáng, khi chuẩn bị chợp mắt lấy sức, cán bộ, nhân viên lại nhận mẫu bệnh phẩm mới từ địa phương gửi lên nên bật dậy thực hiện xét nghiệm để có kết quả sớm nhất.

Do khối lượng công việc lớn, luôn chạy đua với thời gian nên gần 30 nhân viên của khoa phải “cắm trại” tại CDC Đà Nẵng. Có những hôm vì mải mê công việc, anh chị em quên cả ăn uống. Người này bảo người kia đi ăn nhưng ai cũng mong ngóng, hồi hộp chờ kết quả. Khi nhận kết quả âm tính thì mừng rỡ nên quên đói... Đối với những mẫu dương tính phải nhanh chóng báo cáo lãnh đạo để có biện pháp triển khai kịp thời trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tốt nhất cho sức khỏe nhân dân”.

Để bảo đảm an toàn cho bản thân, khi vào phòng xét nghiệm, mỗi nhân viên phải mang đồ bảo hộ kín liên tục 3-5 giờ đồng hồ. Bí bách, khó chịu, ngột ngạt và mồ hôi chảy dài khắp người nhưng họ luôn tập trung cao độ để có kết quả chính xác nhất. “Với sự đồng lòng hợp sức, cố gắng nỗ lực không mệt mỏi, tổ đã đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm mẫu nhanh, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác truy vết, dập dịch trên địa bàn thành phố”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh khẳng định.

Hiện nay, những chiến sĩ áo trắng của CDC Đà Nẵng vẫn tiếp tục dấn thân thực hiện sứ mệnh cao cả, lặng thầm cống hiến hết mình trong công việc với mong muốn, góp phần mang lại môi trường sống khỏe mạnh, bình yên cho người dân thành phố.

LÊ HÙNG - PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.