KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC VÕ CHÍ CÔNG (7-8-1912 - 7-8-2022)

Đồng chí Võ Chí Công với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng

.

Đồng chí Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn (7-8-1912 - 8-9-2011), sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống yêu nước làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thừa hưởng truyền thống yêu nước bất khuất từ quê hương và gia đình, đồng chí Võ Chí Công sớm tham gia các hoạt động yêu nước từ năm 1930. Tháng 5-1935, đồng chí trở thành người đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) thăm Xí nghiệp may huyện Núi Thành năm 1992. (Ảnh tư liệu)
Đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) thăm Xí nghiệp may huyện Núi Thành năm 1992. (Ảnh tư liệu)

Từ người yêu nước trở thành người chiến sĩ cộng sản, đồng chí đã lăn lộn, bám dân, bám đất xây dựng phong trào cách mạng. Những năm 1936-1939, phong trào cách mạng ở Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn, ác liệt trước các cuộc khủng bố trắng của bọn thực dân, phong kiến. Lúc bấy giờ đồng chí đã tìm cách gây dựng lại phong trào, lập lại Phủ ủy Tam Kỳ, rồi thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam tháng 3-1940.

Một nhà báo cách mạng tiên phong

Với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công lăn lộn hết địa phương này đến địa phương khác để lãnh đạo ổn định tình hình tư tưởng, bàn kế hoạch chống khủng bố, giữ liên lạc từ tỉnh đến cơ sở. Đi đến đâu, đồng chí cũng mang theo báo chí cách mạng để tuyên truyền, thậm chí còn trực tiếp viết báo, in báo và kiêm luôn nhiệm vụ phát hành báo chí cách mạng. Nhờ việc vừa phát hành báo chí, vừa xuống cơ sở năm bắt tình hình, trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng, tháng 7-1941, Tỉnh ủy đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Trung Kỳ. Lúc bấy giờ bên cạnh báo Khởi nghĩa của Tỉnh ủy,  báo Bẻ Xiềng sắt của Trung ương, báo Cứu Quốc của Xứ ủy được Tỉnh ủy chủ trương in lại và phát hành cho các địa phương và đưa vào tận trong nhà lao để tuyên truyền, cổ động quần chúng.

Đồng chí Võ Chí Công vừa là người phụ trách, vừa là người biên tập, vừa là người in ấn và cũng là người trực tiếp phát hành báo chí cách mạng lúc bấy giờ. Theo đồng chí, “đây là công việc hết sức khó khăn, vì chúng tôi vừa phải viết bài, tiến hành in bản bằng đá và trực tiếp đi phát hành. Lúc này, tuy có giao thông phát hành báo, nhưng chúng tôi vừa đi công tác, vừa mang báo đi phân phát cho các phủ huyện. Viết báo không phải là sở trường của chúng tôi, song vì yêu cầu cấp bách của đảng viên, quần chúng, buộc phải làm. Nhờ vốn kiến thức rất phong phú nên các bài viết của chúng tôi cũng khá tốt”. Vì vậy, “Tờ báo có tác dụng rất lớn. Nhờ đọc báo, đảng viên và quần chúng cách mạng biết được đường lối, chủ trương của Đảng nên càng phấn khởi, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng”.

Đầu năm 1942, trước sự đánh phá, khủng bố của kẻ thù, đồng chí Võ Chí Công và Nguyễn Sắc Kim phải tạm lánh vào các tỉnh phía Nam. Lúc này, các đồng chí còn đem theo báo Cứu Quốc để phát hành. Tháng 6-1942, đồng chí Võ Chí Công về Quảng Nam tổ chức hội nghị liên tịch quyết định thành lập Ban Chấp hành Liên Thành - Tỉnh ủy: Quảng Nam - Hội An - Đà Nẵng. Hội nghị chủ trương khôi phục tổ chức, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, đồng thời chủ trương ra báo Cờ Độc lập thay cho tờ Khởi nghĩa. Tháng 10-1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột, báo Cờ Độc lập ra đến số thứ 8 thì tạm dừng.

Không vị tình riêng

Đó là phẩm chất cao quý nhất mà đồng chí Trần Phát, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng nhớ mãi về người anh, người lãnh đạo đáng kính của mình: “Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh ở Tiên Phước (3-1952), chị Phan Thị Nễ, vợ của anh được đại hội giới thiệu ra ứng cử, biết vậy, anh hết sức từ chối với lý do là anh đã được trên đưa về làm bí thư mà chị Nễ lại cùng ở trong cấp ủy thì không nên, dễ đẻ ra những dư luận bất lợi. Chúng tôi nói với anh đây là việc của tổ chức không phải là việc của gia đình anh, anh mới chịu; kết quả, do tín nhiệm của đại hội, chị Nễ vẫn được bầu vào Tỉnh ủy khóa này.

Nhắc lại chuyện này để thấy anh là người rất thận trọng. Không vị tình riêng. Anh đối xử với anh em một cách chân tình nên được anh em trong Tỉnh ủy và Đảng bộ mến phục. Anh hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của từng cán bộ giúp việc nên trong việc sắp xếp, đề bạt đã phát huy được khả năng của mỗi người, tạo điều kiện cho anh em có điều kiện trưởng thành; đối với một số cán bộ có mặt yếu như ngại địch, ngại đi vùng bị chiếm thì anh không có thành kiến và bố trí vào những vị trí công tác phù hợp với sở trường ở hậu phương nên vẫn phát huy được tác dụng, có nhiều đóng góp hữu ích cho phong trào chung”.

Năm 1952, Quảng Nam - Đà Nẵng đang đối mặt với nạn đói do thiên tai và sự đánh phá của địch gây ra, nhất là ở các địa phương ven biển phía nam của tỉnh. Đúng lúc đó, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị trong 2 ngày để bàn nhiều vấn đề; trong lúc hội nghị diễn ra, nhận được báo cáo tình hình của các địa phương. Là người đứng đầu Đảng bộ, đồng chí Võ Chí Công cảm thấy trách nhiệm nặng nề và quyết định chuyển nội dung cuộc họp sang bàn nhiệm vụ chống đói. Để tổ chức cứu đói, đồng chí phân công cán bộ, thầy thuốc cứu đói và quán triệt tinh thần cứu đói lúc này phải khẩn trương hơn là đánh địch, mặt khác đồng chí cũng trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động toàn tỉnh sản xuất, tiết kiệm, tương trợ nhau. Đồng chí còn trực tiếp tham gia việc cứu đói. Hình ảnh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp quảy đôi gánh bầu, đi cấp phát lương thực cho nhân dân đã gây xúc động trong lòng bao cán bộ và nhân dân Quảng Nam lúc bấy giờ.

Trực tiếp đi chỉ đạo cứu đói ở những xã đói nặng nhất ở huyện Tam Kỳ, đến xã Nguyễn Chỉ (nay là xã Tam Giang, Núi Thành), đồng chí thấy nhiều đồng bào bị thiếu đói. Trước tình cảnh đó, nhớ lại những năm thoát ly trước Cách mạng Tháng Tám, lúc gặp địch khủng bố gay gắt, nhất là phải lui về xã này, đồng bào tuy nghèo, ăn khoai, sắn vẫn dành gạo cho cán bộ, nuôi giấu và che chở cho mình, đồng chí hiểu rõ tấm lòng tình nghĩa đó của nhân dân với cách mạng và thấy rằng phải tìm mọi cách cứu đói cho dân, vì dân còn thì còn cách mạng.

Mặc dù biết kho gạo tại Tam Kỳ là kho gạo dữ trữ của tỉnh và gạo của Liên khu 5, việc xuất gạo cần phải xin ý kiến của trên. Trước tình thế cấp bách, đồng chí Võ Chí Công ra lệnh xuất gạo để cứu đói cho dân, đồng thời khẳng định “hoàn toàn chịu trách nhiệm dù vi phạm kỷ luật, thậm chí ở tù cũng vui lòng nhận”. Lúc bấy giờ, nghe tin Quảng Nam bị đói, Bác Hồ đã chuyển 500 tấn gạo, Liên Khu ủy 5 cấp 400 tấn lúa để cứu đói cho nhân dân. Tỉnh cấp 270 tấn lúa và trên 500 triệu đồng cho những vùng bị đói trầm trọng.

Do triển khai thực hiện nhiều chủ trương và giải pháp đúng đắn, với sự kiên quyết và khẩn trương trong lãnh đạo và chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân trong sản xuất và tương trợ lẫn nhau, nên cuối năm 1952, Quảng Nam đã vượt qua nạn đói và từng bước góp phần đưa phong trào kháng chiến của tỉnh nhà từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Người luôn nặng lòng với quê hương

Sau năm 1975, đồng chí Võ Chí Công chuyển công tác ra Trung ương, được phân công giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đầu năm 1983, lúc này nhân dân cả nước đang hết sức vui mừng, phấn khởi thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”, người dân gọi là “khoán 100”, mà đồng chí Võ Chí Công là người dự thảo chỉ thị này. Lần này, đồng chí về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp đến thăm các hợp tác xã Đại Phước và Đại Đồng II, huyện Đại Lộc. Qua nghe báo cáo, đồng chí Võ Chí Công được biết: phong trào xây dựng cánh đồng cao sản đạt được những kết quả hết sức ngoạn mục, năng suất lúa bình quân cả huyện đạt 12,6 tấn/ha.

Riêng Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phước giữ mức kỷ lục về đỉnh cao năng suất lúa cả huyện, cả tỉnh và cả nước: 21,6 tấn/ha. Với thành tích này, hợp tác xã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tặng chiếc máy cày hiệu MTZ50 và được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Dịp này, đồng chí Võ Chí Công biểu dương những thành tích và căn dặn các hợp tác xã không được chủ quan, thỏa mãn mà phải không ngừng vươn lên, nhất là phải thực hiện thật tốt “khoán 100” để động viên bà con xã viên hăng hái lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế trong hợp tác xã nông nghiệp. Đồng chí còn chỉ đạo toàn huyện phát động phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phước.

Trong những buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đồng chí Võ Chí Công đều căn dặn cần chú ý đến đời sống nhân dân, nhất là vùng căn cứ kháng chiến, các gia đình chính sách, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đặc biệt giữ sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Đồng chí cho rằng nếu giải quyết được những vấn đề cơ bản trên, sự nghiệp cách mạng của chúng ta nhất định thành công, sự nghiệp đổi mới đất nước và quê hương sẽ thắng lợi. 

Nhân Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV (vòng 1), diễn ra từ ngày 18 đến 21-4-1991, với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đến dự và đặt niềm tin khi phát biểu: “Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nhân tài và đội ngũ cán bộ các thế hệ đông đúc, đủ sức làm nên sự nghiệp lớn. Vấn đề quan trọng và quyết định thắng lợi là Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng phải phát huy truyền thống đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết trên dưới, động viên được mọi sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện”. Muốn đạt được kết quả, “các cấp ủy Đảng và chính quyền phải đổi mới sự lãnh đạo và chỉ đạo, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích nhân dân và vì sự nghiệp cách mạng của Đảng thì nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”.

“Thời gian công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng và sau này ở Quảng Nam, những khi ra họp ở Hà Nội, tôi lại được gặp đồng chí Võ Chí Công và đồng chí đã hỏi han, trao đổi, động viên… Tôi hiểu đó cũng là tình cảm sâu đậm của đồng chí đối với quê hương, với Đảng bộ và nhân dân đất Quảng, thành Đà. Và mặc dù không được trực tiếp công tác dưới sự lãnh đạo của đồng chí, nhưng tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ những chỉ dẫn của đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ công tác được giao cho đến khi về nghỉ hưu”, đó là ký ức của cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân về người đồng chí, người lãnh đạo, người anh vô cùng kính mến - anh Năm Công.

Những năm tháng sau khi nghỉ hưu, tuy bấy giờ tuổi đã cao, sức đã giảm nhiều nhưng đồng chí vẫn tiếp tục dành những sự quan tâm sâu sắc đối với quê hương. Mỗi lần thăm và làm việc với lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đồng chí luôn tìm hiểu tình hình các mặt và nhắc nhở luôn chú ý làm thật tốt 2 vấn đề hết sức quan trọng: đó là phát huy truyền thống anh hùng xây dựng Đảng bộ vững mạnh, thật sự đoàn kết thống nhất; có kế hoạch sát hợp phát triển huyện giàu mạnh, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, không làm được điều đó là có lỗi với đồng bào, với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Có thể khẳng định rằng, mỗi thắng lợi trong phong trào cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng đều mang những dấu ấn đáng nhớ của đồng chí Võ Chí Công. Từ một cán bộ cơ sở, đồng chí đã trưởng thành và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ tỉnh, đứng đầu của Khu 5, rồi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ở đâu, cương vị nào, đồng chí cũng dành những tình cảm hết sức sâu nặng với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Võ Chí Công, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tự hào, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

LÊ NĂNG ĐÔNG


* Các trích dẫn trong bài được trích từ  “Võ Chí Công - Tiểu sử”, Nxb CTQG Sự thật; “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng” (Tỉnh ủy Quảng Nam, 2008)

;
;
.
.
.
.
.