Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10-6-1950 tại thôn 10, xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ (nay là thành phố Tam Kỳ) theo quyết định của Bộ Tư lệnh Liên khu 5. Lúc bấy giờ, tiểu đoàn có 2 đại đội: Đại đội 6 độc lập của Đà Nẵng, Đại đội 11 của tỉnh. Cuối năm 1950, bổ sung thêm vào biên chế tiểu đoàn Đại đội 4 (từ bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Nam). Đồng chí Nguyễn Lựu được giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng - chỉ huy tiểu đoàn và đồng chí Phạm Đạo làm Chính trị viên.
Di tích Đồn Nhất đang được tu bổ trong Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan do tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng phối hợp thực hiện. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Ra đời trên đất mẹ quê hương
Bước vào năm 1950, sau 5 năm thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thực dân Pháp bị thất bại, buộc phải chuyển từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh lâu dài”.
Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (21-1 đến 3-2-1950) về việc chuyển mạnh sang tổng phản công có nêu: “Một mặt chiến đấu để tiêu diệt sinh lực địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng và xây dựng quân đội nhân dân, để trong năm nay thực hiện đầy đủ điều kiện chuyển sang tổng tiến công; xúc tiến việc khuếch trương bộ đội chủ lực, tăng cường trang bị, cải thiện cấp dưỡng, huấn luyện ráo riết về kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức các trung đoàn mạnh tiến tới đại đoàn, binh đoàn; xây dựng bộ đội chủ lực, hợp với khả năng và tình thế mới…”.
Nắm bắt tinh thần hội nghị toàn quốc lần 3 của Đảng, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định thành lập Tiểu đoàn 59. Có thể nói, đối với mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiểu đoàn 59 là “người con đẻ” bởi lẽ tiền thân của đơn vị chính là các đội biệt động bộ đội địa phương hoạt động nội thành, chiến đấu phòng ngự bảo vệ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ (1946).
Đến tháng 11 năm 1951, Tiểu đoàn 59 được điều động về Bình Định bổ sung cho Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu. Đứng trong đội hình của Trung đoàn chủ lực 803, Tiểu đoàn 59 được kiện toàn về tổ chức, trang bị, được học tập chính trị, huấn luyện quân sự nhằm nâng cao kỹ năng chiến đấu. Nhiệm vụ đầu tiên Tiểu đoàn 59 được giao sau khi đứng trong hàng ngũ của Trung đoàn chủ lực 803 là phối hợp, hỗ trợ Tiểu đoàn 365 tiêu diệt cứ điểm Ai-nu tại chiến trường Tây Nguyên.
Diệt cứ điểm Đồn Nhất
Năm 1952, Khu ủy - Bộ Tư lệnh Liên khu 5 quyết định mở chiến dịch Hè Thu tiến công Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm “mở rộng vùng du kích và phá thế uy hiếp của địch, tác chiến tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta, phối hợp với chiến trường Bình Trị Thiên”.
Nhận nhiệm vụ tham gia chiến dịch Hè Thu 1952, Trung đoàn chủ lực 803, trong đó có Tiểu đoàn 59 đã hành quân liên tục 18 ngày đêm vượt hàng trăm cây số từ Bình Định qua Quảng Ngãi ra đến Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn chủ lực 803 xuất hiện tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng nhưng đối với Tiểu đoàn 59, sự trở lại lần này hết sức có ý nghĩa - sự trở lại của những người con trên mảnh đất đã khai sinh ra tiểu đoàn.
Trong chiến dịch này, Tiểu đoàn 59 nhận nhiệm vụ tiêu diệt hai cứ điểm Đồn Lệ Sơn (Hòa Tiến) và Đồn Nhất (Hòa Hiệp). Được tăng cường phối thuộc Đại đội 211 của Tiểu đoàn 365 cùng lực lượng trợ chiến của Trung đoàn 803 và du kích địa phương, đêm 18-9-1952, Tiểu đoàn 59 đã tấn công và nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm Đồn Lệ Sơn.
Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Đồn Nhất, sau khi chiếm được vị trí này vào đầu năm 1947, quân Pháp đã cải tạo và củng cố Đồn Nhất thành một cứ điểm với nhiều công sự vững chắc án ngữ giữa đỉnh đèo Hải Vân hiểm trở. Nhiệm vụ chính của cứ điểm này là kiểm soát lưu thông trên đường đèo, ngăn chặn sự kết nối của quân ta với chiến trường Bình Trị Thiên. Địch bố trí công sự và lô cốt vững chắc với lực lượng 1 trung đội đóng giữ có hỏa lực mạnh, gồm 4 trọng liên 20 ly, trung liên 15 ly và còn có pháo binh yểm trợ.
Đối với đường đèo Hải Vân, ta đã nhiều lần tập kích các đoàn xe và tàu của địch trên đường đèo đạt được hiệu quả lớn. Dù ta đã nhiều lần lập chiến công trên đèo Hải Vân nhưng đó đều là những trận “giao thông chiến” với phương thức đánh chủ yếu là phục kích và đánh chặn trên đường đèo. Mục tiêu và nhiệm vụ của Tiểu đoàn 59 trong chiến dịch Hè Thu lần này là chủ động tiến công trực tiếp vào trụ sở đầu não của địch trên đỉnh đèo Hải Vân và nhiệm vụ không dễ dàng với nhiều thách thức.
Về phía địch: có hỏa lực mạnh, có công sự vững chắc, địa thế hiểm trở, có phi pháo yểm trợ. Tuy nhiên, mặt yếu của địch là địa hình bị che khuất. Nếu bị tấn công, khả năng chi viện bằng phi pháo ít tác dụng, viện binh từ Đà Nẵng ra để ứng cứu không kịp thời, nhất là ban đêm.
Về phía ta: trận đánh lần này do Đại đội 6 của Tiểu đoàn 59 chủ công, bên cạnh đó còn được chi viện một trung đội của Đại đội 4 và sự hỗ trợ của bộ đội và du kích địa phương. Tuy có gặp một số khó khăn nhất định, bộ đội phải hành quân xa, mang vác nặng, lại qua nhiều núi cao, suối sâu. Mục tiêu tấn công kiên cố mà trang bị của ta chưa được hoàn chỉnh, nhất là hỏa lực.
Nhưng về cơ bản ta có khá nhiều thuận lợi, được sự phối hợp hỗ trợ nhịp nhàng từ bộ đội, du kích và nhân dân địa phương, đặc biệt là du kích xã Hòa Liên. Bộ đội địa phương và du kích ta nắm rõ và thông thạo địa hình, tinh thần quân ta cũng đang lên từ những thắng lợi trước. Với sự chuẩn bị kỹ, tranh thủ được yếu tố bí mật, bất ngờ, toàn bộ chiến sĩ nêu cao khí thế chiến đấu, khắc phục mọi khó khăn và quyết tâm giành thắng lợi ở trận đánh này.
Đúng 18 giờ ngày 23-9-1952, tại vị trí thôn Trường Định, xã Hòa Liên, dưới sự dẫn đường của trinh sát và du kích địa phương, quân ta hành quân suốt đêm 23 và cả ngày 24. “Bầu trời Hải Vân xám xịt, mưa liên tục, lên dốc xuống khe. Mặc, đội hình vẫn tiến. Áo quần súng đạn đều bị ướt, những vắt cơm còn lại bên hông đã rã nước mưa. Những khí tài, bộc phá, dây cháy chậm, chất liệu nổ thì tuyệt đối không để bị ướt. Đó là mệnh lệnh”. Tối 24-9-1952, đơn vị đến vị trí tập kết và nghỉ ngơi tại chỗ làm công tác chuẩn bị
Lúc 23 giờ cùng ngày, quân ta vượt qua quốc lộ 1, bí mật triển khai đội hình chiến đấu vào sát chân thành và đặt bộc phá 20 cân áp sát chân tường dưới lô cốt địch. “23 giờ, lệnh xuất kích. Mưa vẫn không dứt. Trời tối, lạnh. Quân ta bí mật đến gần vị trí, lặng lẽ từng người một băng qua bên kia đường, tiến sát chân cứ điểm mà bọn địch không phát hiện”.
Đúng 1 giờ 30 phút ngày 25-9 ta cho phát lệnh nổ bộc phá, sau đó các cỡ súng của ta liên tục áp chế vào các lô cốt của địch. Tuy nhiên, bộc phá của ta không thể phá vỡ tường thành rất dày của Đồn Nhất. Địch bắt đầu chống trả quyết liệt, hỏa lực liên tục được bắn ra từ các lô cốt. Với tình thế chênh lệch về hỏa lực giữa hai bên, nếu quân ta không thay đổi phương thức đánh sẽ nhanh chóng dẫn đến thương vong, không hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Tình thế lúc này vô cùng khó khăn.
Đồng chí Trần Ngọc Anh lệnh cho các hỏa lực chế áp mạnh vào lô cốt các hỏa điểm của địch nhằm yểm trợ cho quân ta dựng thang vào lô cốt để leo lên đánh thủ pháo, lựu đạn. Nhưng thang quá ngắn ta không thể leo lên lô cốt địch. Trong hoàn cảnh như vậy, đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương đã mưu trí, táo bạo dùng sức nâng hai chân thang áp vào thành lô cốt, để đồng đội leo lên vai mình rồi trèo lên thang đánh thủ pháo, lựu đạn vào lô cốt. Trong lúc hỗ trợ đồng đội chiến đấu, đồng chí Nguyễn Bá Dương đã bị trúng đạn của địch nhưng anh vẫn kiên quyết không rời vị trí chiến đấu.
Với quyết tâm cao độ, vượt qua mọi khó khăn, quân ta phân thành các tổ xung kích và mũi tấn công khác nhau tiếp tục thọc sâu, chia cắt và tiêu diệt từng bộ phận, từng hỏa điểm của địch bằng thủ pháo và lựu đạn. Sau 2 giờ chiến đấu ngoan cường, ta đã tiêu diệt cứ điểm Đồn Nhất, tiêu diệt, bắt sống và thu quân trang, quân dụng, vũ khí của địch. Trận này phía ta hy sinh 7 chiến sĩ, trong đó có Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương.
Cuối tháng 9 - 1952, chiến dịch Hè Thu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng kết thúc với nhiều thắng lợi to lớn. Đó là chiến thắng của sự kết hợp giữa hoạt động quân sự và chính trị; giữa kỹ thuật tác chiến của bộ đội chủ lực và chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích; giữa sự quyết tâm cao độ và lòng tự hào của mỗi người con được chiến đấu để bảo vệ mảnh đất quê hương, mà minh chứng chính là chiến công của Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn chủ lực 803 đã lập được trên mảnh đất Đà Nẵng nói riêng và Quảng Nam nói chung trong lần trở về này.
Sau 70 năm của những ngày hè thu lịch sử, chiến tranh đã đi qua, thời gian đã làm phai mờ đi nhiều thứ, nhưng cũng chính thời gian sẽ làm rõ được nhiều điều. Những chiến công của Tiểu đoàn 59 ngày ấy trên mảnh đất Đà Nẵng mãi còn đó. Dấu vết của hai trận đánh Đồn Lệ Sơn và Đồn Nhất trên chiến trường Đà Nẵng được hậu thế ghi nhớ và lưu danh.
HUỲNH ĐÌNH QUỐC THIỆN - LÊ VĂN PHÚC
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đảng 1949-1950, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1979
2. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng – Lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Đà Nẵng 1945 – 2000, NXB Quân đội nhân dân (2002)
3. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng – Lực lượng vũ trang Đà Nẵng xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, tập một Kháng chiến chống Pháp (1945-1954), NXB Quân đội nhân dân (1999)
4. Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam – Đà Nẵng; Lịch sử chiến tranh nhân dân , Xuất bản lần thứ 2 (1994)
5. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hòa Vang - Lực lượng vũ trang Hòa Vang chiến đấu - trưởng thành (1945 - 1975), xuất bản năm 1992.