Về quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng

.

Ngày 18-3-2020, trong thời điểm toàn thành phố cùng cả nước đang căng mình phòng, chống Covid-19, người Đà Nẵng nhận được tin vui: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 393/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Điều chỉnh Quy hoạch), thay thế Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 8-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Sở dĩ nói “tin vui” bởi phàm là quy hoạch được phê duyệt thì phải ổn định, không thể nay thay mai đổi, nhưng cũng không thể nhất thành bất biến, đặc biệt khi đáo hạn thì rất cần được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn không ngừng vận động, và quyết định phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch lần này của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện để kinh tế-xã hội của thành phố bên sông Hàn phát triển không chỉ đúng hướng mà còn đúng tầm.

Đọc Điều chỉnh Quy hoạch theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy rõ dấu ấn Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển hành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 43-NQ/TW) trong từng quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển. Có thể nói tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW được quán triệt sâu sắc và thể chế hóa trong Điều chỉnh Quy hoạch lần này là cơ sở pháp lý để kinh tế-xã hội của thành phố bên sông Hàn phát triển đúng hướng.

Trong phát triển, xác định đúng hướng rất quan trọng, chỉ cần đi một bước cũng có thể đến đích, ngược lại xác định sai hướng thì càng đi càng xa mục tiêu. Với Đà Nẵng, đúng hướng là phải “có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương”(1); là phải “dựa trên việc khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế biển, vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong vùng và cả nước”(2).

Đúng hướng rất quan trọng, nhưng với Đà Nẵng, quan trọng hơn là phải đúng tầm - tầm cỡ, tầm vóc “một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên” như đã nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW(3).

Mà muốn đúng tầm thì Đà Nẵng phải “tập trung phát triển ba trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển”(4); phải có những giải pháp đột phá, những cơ chế đặc thù, không thể cứ “xưa bày nay bắt chước” kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa, cũng không thể cứ dàn hàng ngang mà tiến cùng thiên hạ.

Đọc Điều chỉnh Quy hoạch theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy một số ý tưởng nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW đã được khẳng định, chẳng hạn vẫn quyết tâm “sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng loại IA theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia”(5) với tư cách là điểm cuối trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2, dẫn đến ưu tiên “đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, bao gồm đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Cảng Liên Chiểu đến Đường Hồ Chí Minh và đường vành đai phía Bắc”(6) - một sự khẳng định không chỉ xuất phát từ nỗ lực thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW mà còn và chủ yếu xuất phát từ những tranh luận khoa học trong quá trình xây dựng quy hoạch điều chỉnh.

Hay chẳng hạn vẫn ưu tiên “đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng”(7) - một trung tâm trí thức trên địa bàn thành phố không chỉ góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng và cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mà còn góp phần nghiên cứu khoa học tích cực phục vụ xã hội, phục vụ nhân sinh (việc GS.TSKH Bùi Văn Ga cùng các cộng sự vừa nghiên cứu thành công máy đo thân nhiệt từ xa nhằm bảo đảm an toàn hơn trong hoạt động phòng, chống Covid-19 chỉ là một ví dụ).

Đáng trân trọng nhất là Điều chỉnh Quy hoạch theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến đời sống người dân Đà Nẵng: “coi việc nâng chất lượng cuộc sống người dân đạt ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm (…) người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo”(8) trong quá trình phát triển Đà Nẵng.

Chính vì thế nên Điều chỉnh Quy hoạch luôn đề cao yêu cầu kế thừa thành tựu an sinh xã hội từng làm nên thương hiệu Đà Nẵng gần hai chục năm qua: “duy trì, phát huy và xây dựng mô hình “Thành phố 5 không” (không có hộ đặc biệt nghèo, không có học sinh bỏ học, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các đề án của chương trình “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), đặc biệt là chương trình “có nhà ở” cho mọi người dân; kiểm soát tốt các tệ nạn xã hội trên địa bàn, thực hiện tốt “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội) hướng đến phấn đấu trở thành đô thị được xếp hạng trên các bảng bình chọn “thành phố đáng sống” (liveable/livable city) của thế giới”(9); đồng thời luôn nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững, chẳng hạn phải “bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa khai thác sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội với sử dụng đất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; đặc biệt, chú trọng quỹ đất tại các khu vực nhạy cảm như bờ biển, vùng đệm các dòng sông, các triền đồi núi...”(10).    

Quy hoạch hay Điều chỉnh Quy hoạch dẫu đúng hướng và đúng tầm đến mấy cũng chỉ là quy hoạch trên... giấy nếu như không được quản lý và tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đầy trách nhiệm với Chính phủ và với Nhân dân. Cùng với đó là nỗi lo trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch điều chỉnh sẽ thiếu sự quán triệt cần thiết đối với nhiều quan điểm nhân văn mà Điều chỉnh Quy hoạch lần này nhấn mạnh, thiếu sự kết hợp giữa kinh tế với văn hóa và nhất là thiếu sự kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng-an ninh - cần nhớ các khu vực như bờ biển, vùng đệm các dòng sông, các triền đồi núi nêu trong Điều chỉnh Quy hoạch vừa trích dẫn không chỉ “nhạy cảm” về môi trường sinh thái mà còn và chủ yếu là “nhạy cảm” về quốc phòng-an ninh.

BÙI VĂN TIẾNG

(1) Dẫn theo Nghị quyết số 43-NQ/TW và Quyết định số 393/QĐ-TTg..
(2) Dẫn theo Nghị quyết số 43-NQ/TW. và Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(3) Dẫn theo Nghị quyết số 43-NQ/TW.
(4) Dẫn theo Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(5) Dẫn theo Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(6) Dẫn theo Phụ lục 2 - Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(7) Dẫn theo Phụ lục 2 - Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(8) Dẫn theo Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(9) Dẫn theo Quyết định số 393/QĐ-TTg.
(10) Dẫn theo Quyết định số 393/QĐ-TTg.

;
;
.
.
.
.
.