Tin giả hiện nay đang là vấn đề cần được quan tâm và ngăn chặn, nhất là giữa thời điểm Covid-19 đang diễn biến khó lường. Tin giả nhưng để lại nỗi lo thật và hệ lụy khôn lường.
Gần đây nhất, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về trường hợp một bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng bị nhiễm SARS-CoV-2 do tiếp xúc với nữ bệnh nhân N.T.T.N. (29 tuổi, trú quận Hải Châu) là bệnh nhân Covid-19 thứ 3 tại Đà Nẵng, khiến không chỉ các y, bác sĩ trong bệnh viện lo lắng mà còn khiến người dân hoang mang, lo sợ. Nhưng sự thật, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng cho biết, toàn bộ ekip trực tiếp khám hôm đó cho bệnh nhân N. đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó chỉ vài ngày, trên mạng xã hội cũng lan truyền việc chị V.T.B.Tr. (quê Đăk Lăk) là nhân viên làm việc ở khu vực sân golf Bà Nà Hills, nơi 2 du khách người Anh (nhiễm SARS-CoV-2, đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng) từng ghé chơi golf vào ngày 4-3, bỏ trốn khỏi khu cách ly ở Đà Nẵng để về quê với những lời bình luận không hay. Ngay sau đó, Sở Y tế thành phố khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật.
Không chỉ có vậy, những ngày đầu khi Chính phủ chính thức công bố Covid-19 trở thành dịch, và nhất là khi Đà Nẵng có hai ca dương tính với SARS-CoV-2, tại thành phố đã lan truyền thông tin gây bất an về dịch bệnh, thậm chí là thông tin sắp khoanh vùng cả thành phố để chống dịch.
Những ngày tiếp sau đó, rất nhiều người dân đã đua nhau đi mua và tích trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm bởi nỗi lo sợ không còn hàng. Có thời điểm người dân tìm mua thùng mì tôm phải dạo quanh cả gần chục tiệm tạp hóa. Điều này đã dẫn đến có lúc, có nơi xảy ra tình trạng tăng giá, gây rối loạn thị trường, khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của mạng xã hội khi hằng ngày, hằng giờ lan tỏa những hành động đẹp như: giải cứu dưa hấu, phát khẩu trang miễn phí, quyên góp hỗ trợ “tuyến đầu” phòng, chống dịch... Đó còn là việc đăng tải, lan truyền các chỉ thị về phòng, chống dịch của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của cơ quan chức năng hay đơn giản là chia sẻ với nhau cách phòng, chống dịch bệnh.
Thế nhưng, bên cạnh đó, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” với hành động tung những tin giả với mục đích câu view, câu like, làm rối loạn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chống dịch của đất nước.
Nỗi sợ vốn là một bản năng sinh tồn của con người trước những vấn đề liên quan đến tính mạng và bây giờ nó lại càng khiến cho tin giả có “đất sống”. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tin giả còn lây lan nhanh hơn cả virus và sẵn sàng tấn công vào bất cứ cá nhân nào chưa đủ bản lĩnh, niềm tin, nhận thức đúng đắn.
Một hành động không đúng có thể ảnh hưởng đến một số người nhưng một thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng, tác động tiêu cực đến những thành quả, nỗ lực mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân xây dựng nên.
Trước tình hình đó, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập biệt đội để xử lý tin giả và sự can thiệp vào các nỗ lực chống Covid-19. Tại Việt Nam, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-2-2020, có hiệu lực từ 15-4-2020 với mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 đến 20 triệu đồng; nhiều trường hợp tung tin giả đã bị xử lý thích đáng theo quy định hiện hành.
Trong cuộc chiến chống tin giả, thiết nghĩ, cơ quan chức năng không phải chỉ dùng biện pháp xử phạt đối tượng tung thông tin giả mà còn cần cung cấp thông tin chính thống một cách nhanh nhất có thể trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để định hướng dư luận, tạo niềm tin cho nhân dân.
Khi đó, thông tin chính thống sẽ “đè bẹp” thông tin giả. Để tin giả không còn “đất sống” thì không chỉ có sự can thiệp của các cơ quan chức năng mà mỗi người cần phải tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh, sự bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận thông tin, chỉ tin theo các thông tin chính thống về dịch bệnh, không chia sẻ những thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng. Có như vậy, cả cộng đồng mới có thể chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
PHƯƠNG TRÀ