"Bóng giặc Covid-19" vẫn chập chờn

.

Thông tin từ Bộ Y tế, đến ngày 8-1-2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi vắc-xin phòng bệnh chưa được sử dụng rộng rãi thì đã xuất hiện các chủng mới của virus có khả năng lây lan nhanh, mạnh hơn trước. Nhiều nước trên thế giới hiện ngập chìm trong đại dịch với tổng số ca nhiễm toàn cầu lên đến gần 88,5 triệu ca/ hơn 1,9 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, hiện đã có 1.500 ca nhiễm/ 35 trường hợp tử vong. Sau hai đợt dịch bùng phát vào tháng 3 và tháng 7-2020, từ đó đến nay Đà Nẵng có thêm hàng chục ca nhiễm khác chủ yếu nhập cảnh qua đường hàng không được cách ly điều trị theo quy định.

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam được ví như một vùng trũng mà nguy cơ Covid-19 có thể xâm nhập bất cứ lúc nào nếu chúng ta không có hệ thống “đê bao” vững chắc. Tròn một năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tốt. Tuy vậy, nguy cơ ca nhiễm xâm nhập và lây lan trong cộng đồng vẫn luôn thường trực do thời điểm giáp Tết Tân Sửu, đồng bào ta từ nước ngoài có nguyện vọng trở về đón Tết rất lớn; do sự xâm nhập trái phép qua biên giới và một số nơi hiện có biểu hiện lơ là, chủ quan, không áp dụng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Covid-19. Vì vậy, nguy cơ “bóng giặc Covid-19” vẫn chập chờn!

Trước tình hình đó, ngày 5-1-2021, Thường trực Ban Bí thư có Công điện về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và ngày 7-1-2021, Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn số 239-CV/TU chỉ đạo về công tác này. Ngày 8-1-2021, thông tin tại cuộc họp trực tuyến về triển khai công tác tăng cường phòng, chống Covid-19 do UBND thành phố tổ chức cho biết, Đà Nẵng có 405 ca dương tính với virus Sars-CoV-2, trong đó, giai đoạn 1 là 6 ca, giai đoạn 2 khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng là 389 ca và sau đó có 20 ca nhiễm quá cảnh từ nước ngoài về. Hội nghị nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị; tập trung rà soát hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; kiểm soát mạng lưới giao thông; quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tình trạng xuất nhập cảnh trái phép; hạn chế tổ chức các sự kiện đông người…

Còn nhớ từ cuối tháng 7-2020, đợt dịch thứ hai bùng phát và Đà Nẵng là tâm dịch. Trước khó khăn chồng chất, nhất là việc truy vết F0 không có kết quả, Đà Nẵng đã sử dụng hàng loạt biện pháp sàng lọc, điều trị trên quy mô lớn. Cùng với sự trợ giúp của Trung ương và các địa phương bạn, Đà Nẵng từng bước khống chế sự lây lan của dịch bệnh, kiểm soát tốt tình hình, đưa cuộc sống dần dần trở lại bình thường. Những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị thành phố, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát tốt và chúng ta cũng đã tích lũy một số kinh nghiệm quý báu trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trong tình hình hình mới, chúng ta không được phép chủ quan.  

Qua các phương tiện truyền thông, được biết, cách nhìn nhận, đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó đặt vấn đề quyết liệt phòng, chống Covid-19 "chống dịch như chống giặc" của Việt Nam ngay từ đầu đã thể hiện rõ sự quyết đoán cần thiết và đúng mức. Ở vài thời điểm đại dịch Covid-19 tạm lắng cục bộ, một vài thông tin từ nước ngoài cho rằng: phải chăng cách phòng chống Covid-19 của Việt Nam là quá mức, ảnh hưởng tự do cá nhân(?). Người Việt Nam không nghĩ như vậy, đại đa số nhân dân đồng tình, tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước. Quan điểm chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân; thực hiện nhiệm vụ kép “vừa phòng chống dịch vừa duy trì khôi phục phát triển kinh tế” đã thể hiện rõ sự ưu việt của chế độ. Các biện pháp ứng phó, xử lý tác động từ dịch bệnh, biến “nguy” thành “cơ” trên địa bàn cả nước đã thể hiện rõ cách nhìn nhận sáng suốt, chuẩn mực, đem lại kết quả đáng ghi nhận và khích lệ. Trong năm qua, do đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, suy giảm ít nhất 4%, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng xấp xỉ 3%. Đây là một kỳ tích, thể hiện rõ quyết sách đúng đắn trong phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Hiện nay, chúng ta đang hướng về Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của dân tộc. Trong niềm hân hoan đó, chúng ta không được phép chủ quan bởi trong bối cảnh “giặc Covid-19” vẫn chập chờn đâu đó và diễn biến ngày càng phức tạp, sự vô ý, thiếu ý thức của cá nhân hay sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của một vài địa phương, đơn vị có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực bấy lâu nay của cả hệ thống, khiến cả xã hội phải trả giá.

“Nếu chúng ta chủ quan, không tuân thủ, không làm tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, để các ca nhiễm xâm nhập, thì tất cả các hoạt động khác đều ngưng trệ” - Lời kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tại hội nghị trên là một mệnh lệnh phải được thực thi nghiêm túc để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, để Đà Nẵng đón Tết Tân Sửu trong an bình.

NGUYỄN ĐỨC NAM

;
;
.
.
.
.
.