Tiêm vắc-xin để chủ động phòng, chống dịch

.

Tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc trên toàn thế giới tăng 30% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định, đại dịch Covid-19 vẫn đang là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Tại Việt Nam, ngành y tế đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Đây là những biến thể chính làm cho tình hình dịch bệnh ở châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới diễn biến phức tạp, các chính sách phòng, chống dịch tiếp tục được siết chặt.

Theo WHO, việc ngăn ngừa Covid-19 bằng các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng vẫn chưa được xem là phương pháp phổ biến, bởi hiện nay chưa đến tay người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, miễn dịch cơ thể suy giảm do sức khỏe, bệnh lý hoặc đã từng nhiễm nhiều lần Covid-19 khiến virus trong các biến chủng mới dễ dàng xâm nhập cơ thể. WHO khẳng định, tiêm vắc-xin, đặc biệt là các mũi vắc-xin tăng cường đủ liều, đúng thời điểm có vai trò quyết định trong giai đoạn hiện nay, nhất là giúp ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong.

Tiêm phủ vắc-xin được xem là chính sách ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam. Thời điểm dịch bệnh bùng phát toàn cầu, số lượng vắc-xin sản xuất chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu toàn thế giới, Chính phủ đã đẩy mạnh các hoạt động, chương trình ký kết, hợp tác, ngoại giao với mục tiêu tiếp nhận nhanh, nhiều nhất có thể số lượng vắc-xin để phòng, chống dịch.

Từ một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp của thế giới, chỉ trong năm 2021, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, quyết định vào cục diện, tính hiệu quả phòng, chống Covid-19. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt mức cao là điều kiện quan trọng để Việt Nam mở cửa và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sau một thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Phát huy hiệu quả của chính sách tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu Bộ Y tế, ban, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục chiến dịch tiêm mũi 3, mũi 4 vắc-xin phòng Covid-19.

Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Y tế, việc tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm vắc-xin cho trẻ em hiện nay gặp nhiều khó khăn, đạt tỷ lệ thấp. Tâm lý chung là do người dân chủ quan khi nghĩ rằng mức độ lây nhiễm của chủng virus mới ở dạng nhẹ ít nguy hiểm; nhiều trường hợp đã mắc Covid-19 nên nghiễm nhiên cho rằng đã đủ kháng thể; các thông tin sai lệch về vai trò, hiệu quả của vắc-xin trong phòng, chống dịch đăng tải trên mạng xã hội…

Tại Đà Nẵng, tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã tiêm hơn 2,789 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong đó, người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt hơn 99,9%; mũi 2 đạt 99,59%; mũi bổ sung đạt 83,46%; mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) đạt 73,4%; mũi nhắc lại lần 2 đạt 14,78%. Đối với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 1 đạt hơn 99,9%; mũi 2 đạt 98,4% và mũi nhắc lại hiện đạt 9,3%. Trong khi đó, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 1 đạt 24,4% số trẻ quản lý theo báo cáo UBND quận, huyện; mũi 2 đạt 38,4% (số trẻ đã tiêm mũi 1). Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm kế hoạch, đạt mục tiêu đề ra, Thường trực Thành ủy chỉ đạo, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố, các sở, ban, ngành, địa phương huy động nhân lực, triển khai kế hoạch tiêm chủng có hiệu quả, an toàn; nắm tiến độ tiêm chủng báo cáo cho Thường trực Thành ủy để có chỉ đạo các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị vào cuộc nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc tổ chức tiêm chủng cho người dân được các ngành y tế và các cơ quan chức năng thành phố triển khai quyết liệt bằng nhiều phương thức linh hoạt. UBND các quận, huyện huy động các lực lượng tại chỗ, các tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người dân để tổ chức vận động, tuyên truyền thông báo đi tiêm chủng; tổ chức làm việc với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn để huy động công nhân, người lao động đi tiêm chủng đầy đủ theo quy định. Sở Y tế khuyến cáo, hiện nay có nhiều trường hợp tái nhiễm Covid-19.

Mặc dù tỷ lệ bệnh nhân trở nặng, nguy kịch đã giảm nhiều so với trước nhưng các hậu quả, hệ lụy tình trạng hậu Covid-19 để lại rất lớn, xuất hiện ngày càng nhiều những di chứng mới. Nhiều bệnh nhân chưa điều trị khỏi hậu Covid-19 lại tiếp tục tái nhiễm và xuất hiện những triệu chứng mới, làm đảo lộn tình trạng sức khỏe, sinh hoạt.

Việc tiêm vắc-xin theo kế hoạch, khuyến cáo của Bộ Y tế là để chủ động phòng bệnh. Thời gian qua, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc với nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng, giảm gánh nặng, chi phí và những hệ lụy trong phòng, chống dịch. Vai trò của người dân trong phòng bệnh chủ động chính là tiêm đủ, đúng liều vắc-xin, bảo vệ an toàn cho bản thân, cộng đồng, góp phần vào mục tiêu chung của cả nước, đó là kiểm soát dịch bệnh, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.