Đổi mới mô hình quản lý, thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu

.

ĐNO - Ngày 23-11, phát biểu tại hội thảo khoa học về quản trị môi trường địa phương, đổi mới mô hình quản lý tài nguyên và chính sách thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ cho biết, biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21, đặt ra nhiều vấn đề cần phân tích, làm rõ như: phát triển kinh tế tuần hoàn, quản trị tài nguyên, sinh kế của người dân..., nhất là những định hướng, giải pháp đổi mới mô hình quản lý tài nguyên và chính sách thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu.

Từ đó, có những giải pháp, đề xuất thiết thực với các các cơ quan hữu quan về chiến lược phát triển đô thị của vùng Trung Bộ trên cơ sở bảo đảm sự hài hòa cả ba khía cạnh từ môi trường tự nhiên đến kinh tế và xã hội...

“Cần có giải pháp vượt trội để gia tăng không gian xanh cho thành phố Đà Nẵng, chẳng hạn như học tập các thành phố lớn trên thế giới về cách về trồng rừng trong đô thị. Theo đó, chỗ nào trồng rừng được đều được tận dụng để trồng theo 3 tán rừng: tầng cao, tầng vừa và tầng thấp, tạo ra diện tích rừng nhiều gấp 3 lần diện tích đất thực tế”, TS. Hoàng Hồng Hiệp đề xuất.

Theo TS. Phạm Đi, Học viện Chính trị khu vực 3, thành phố cần phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để vừa tiết kiệm tài nguyên đất, nước, vừa điều hòa sinh thái, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và tiếp tục giảm phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xúc tiến sớm hệ thống tàu điện metro bởi Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đã mất đến 15 năm mới có được.

Đồng thời, thành phố cần có giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa”.

PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng chỉ ra những bất cập trong việc nuôi trồng thủy sản khi tiêu thụ thức ăn gấp 20 lần so với thủy sản tự nhiên. Đặc biệt, đối với các loài cá được nuôi bằng nguồn thức ăn là cá nhỏ tự nhiên thì số lượng cá tự nhiên bị tiêu thụ rất lớn.

Do đó, việc nuôi trồng thủy sản là không hiệu quả, mà cần phải khai thác hợp lý nguồn cá tự nhiên để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Các địa phương muốn đổi mới mô hình quản lý tài nguyên, môi trường và thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, cần phải tiếp cận việc phát triển kinh tế biển theo hướng tổng hợp, liên ngành nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển phải gắn liền với bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã đề xuất Đà Nẵng cần đầu tư cải tạo bãi rác Khánh Sơn thành khu kinh tế tuần hoàn; sớm nghiên cứu đầu tư các tuyến tàu điện metro và tiếp tục giảm phương tiện giao thông cá nhân; áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững LID...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.