Đà Nẵng kiểm soát chặt chẽ dịch tả heo châu Phi

.

Các cơ quan chức năng Đà Nẵng đang siết chặt kiểm tra, kiểm soát và tập trung phòng dịch tả heo châu Phi; đồng thời tăng cường phối hợp với người chăn nuôi trong việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng… Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, việc tiêu thụ thịt heo ở các chợ vẫn đang ảm đạm.

Các quầy bán thịt heo tại chợ ít người mua.  Ảnh: VĂN HOÀNG
Các quầy bán thịt heo tại chợ ít người mua. Ảnh: VĂN HOÀNG

Thịt heo Đà Nẵng an toàn

Tại Trạm Kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật Kim Liên, từ sáng đến chiều 12-3 chỉ có 2 xe tải chở heo từ Hải Dương và Hà Nội vào các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Lực lượng Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố kiểm tra kỹ các loại giấy tờ chứng nhận và kẹp chì niêm phong.

Cán bộ thú ý còn lên thùng xe quan sát từng con heo để kiểm tra lâm sàng nhằm bảo đảm không có heo xuất hiện dấu hiệu nhiễm bệnh trước khi cho phép tiếp tục lưu thông. Sau đó, cán bộ thú y phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh xe. Đến nay, chưa phát hiện con heo nào có dấu hiệu mắc bệnh dịch tả heo châu Phi.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố cho hay, trước khi phát hiện dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía bắc, mỗi ngày có 18-25 xe vận chuyển 3.200-4.500 con từ các tỉnh phía bắc vào phía nam đi ngang qua thành phố Đà Nẵng. Nhưng trong những ngày gần đây, số lượng xe vận chuyển heo từ các tỉnh phía bắc vào phía nam đi ngang qua thành phố giảm xuống chỉ còn 3-5 xe/ngày, bằng 20-30% so với trước. Nguyên nhân là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cục Thú y siết chặt việc cấp giấy kiểm dịch ở các tỉnh phía bắc; đồng thời, yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi phải thực hiện lấy mẫu thịt heo để xét nghiệm dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, một số địa phương ở phía nam kiên quyết không cho vào lò mổ đối với heo nhập từ các tỉnh phía bắc…

“Việc kiểm dịch heo tại gốc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và ngành chức năng của các địa phương siết chặt. Cùng với đó, các địa phương nhập thịt heo và ở trên tuyến vận chuyển đều tăng cường kiểm tra, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Tại Đà Nẵng, do heo được nhập chủ yếu từ Bình Định và các trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam nên thịt heo vẫn an toàn, người dân hãy yên tâm sử dụng”, ông Cao Xuân Thái khẳng định.

Ông Cao Xuân Thái cũng cho biết thêm, 80% thịt heo cung cấp cho Đà Nẵng đến từ các tỉnh thành khác. “Hiện nay, sản lượng heo giết mổ mỗi ngày trên địa bàn thành phố khoảng 1.200 con. Trong đó, lượng thịt chủ yếu đến tỉnh Bình Định và các trang trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đặt tại các tỉnh lân cận. Ngoài ra, lượng thịt heo do các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn cung cấp chỉ chiếm 20%. Ở các trạm kiểm dịch, chúng tôi đều kiểm tra rất nghiêm ngặt và kỹ càng để phòng ngừa dịch bệnh”, ông Cao Xuân Thái thông tin. 

Đà Nẵng không nhập heo từ các tỉnh phía bắc về để giết mổ. Tuy nhiên, số lượng heo đưa vào giết mổ tại Công ty Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng vẫn giảm do giá thịt heo “xuống dốc”. “Dịch tả heo châu Phi chỉ ảnh hưởng đến chăn nuôi chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe của người. Vì thế, người dân không nên nghe theo các tin đồn không đúng trên các trang mạng xã hội. Hơn nữa, thành phố đang tập trung kiểm tra, kiểm dịch heo và thịt heo từ các nơi nhập không nằm trong vùng dịch tả heo châu Phi. Chúng tôi khẳng định hiện tại thịt heo tại Đà Nẵng an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Cao Xuân Thái nhấn mạnh.

Đưa thịt heo an toàn đến người tiêu dùng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn thành phố, thịt heo sống và các sản phẩm từ thịt đều tiêu thụ chậm hơn so với ngày thường. “Trước đây, mỗi ngày tôi có thể bán hết vài con heo thì nay số người mua sụt giảm mạnh. Từ khi có thông tin dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam, người dân ít mua thịt heo để ăn. Không chỉ thịt heo, những mặt hàng như chả đòn, giò sống cũng ít người mua hẳn”, bà Nguyễn Thị Vân, tiểu thương bán thịt tại chợ Mân Thái (quận Sơn Trà) cho hay.

Còn bà Lê Thị Xuân, tiểu thương bán thịt tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu) lo lắng: “Những ngày qua, thông tin về dịch tả heo châu Phi đã khiến chúng tôi buôn bán rất ế ẩm. So với ngày thường, chúng tôi chỉ bán được 30%”.

Theo một số người đi chợ, dù vẫn biết dịch tả heo châu Phi không lây lan sang người nhưng vẫn e ngại nên chưa dám mua. Chị Huỳnh Thị Hạnh (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Từ khi thông tin có dịch tả heo châu Phi ở phía bắc đến nay, gia đình chúng tôi không dám ăn thịt heo vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”. Trong khi đó, nhiều người thay vì mua thịt heo ở chợ đã lựa chọn thịt heo tại siêu thị.

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật Kim Liên phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe chở động vật chạy ngang qua thành phố Đà Nẵng.   Ảnh: H.HIỆP
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật Kim Liên phun thuốc tiêu độc, khử trùng xe chở động vật chạy ngang qua thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.HIỆP

Theo khảo sát, giá thịt heo tại các chợ dao động từ 70.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg. Trong đó, thịt heo vai 80.000 đồng/kg trở lên; thịt mông 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 100.000 đồng/kg; xương heo 60.000 đồng/kg-70.000 đồng/kg…

Các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thành phố cho biết, thời gian qua đã thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y và chính quyền địa phương về vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch, bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và thú y đã tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức thực hiện giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu vực chăn nuôi, giết mổ, các chợ, điểm kinh doanh heo và sản phẩm của heo; đồng thời đã cấp phát 1.152 lít dung dịch benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng… Tuy nhiên, việc tiêu thụ thịt heo tại các chợ sụt giảm làm cho nhiều người chăn nuôi lo lắng.

Ông Phạm Phú Trăng, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP tại Đà Nẵng cho biết: “Trước đây, mỗi ngày, công ty xuất giết mổ hơn 500 con heo, hiện nay chỉ chưa tới 400 con, giá thịt heo giảm 10-20% so với bình thường. Heo của chúng tôi được nuôi ở các chuồng, trại ở địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng và đang tích cực được phòng dịch, thường xuyên tiêu độc và khử trùng. Đến nay, tình hình chăn nuôi ở các chuồng trại trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam chưa bị ảnh hưởng dịch bệnh, chỉ khó khăn là tiêu thụ thịt heo bị chậm lại”.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (nơi giết mổ heo chủ yếu cung cấp cho thị trường Đà Nẵng) cho hay, heo chở về từ các nơi được kiểm tra chặt chẽ và tiêu độc, khử trùng trước được đưa vào lò giết mổ. Trong những ngày qua, số lượng heo giết mổ đã sụt giảm từ 1.200 con xuống còn chưa đầy 1.000 con.

“Trước tình hình lây lan của dịch bệnh tả heo châu Phi, chúng tôi đang phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y cùng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và bảo đảm thịt heo an toàn trước khi chở thịt heo đến thị trường tiêu thụ”, ông Phạm Tuấn Anh nói. 

HOÀNG HIỆP – VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.