Về tổng thể, lượng khách quốc tế tới Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, nhưng ở một số thị trường nhất định lại bị sụt giảm. Hai thị trường khách Hàn Quốc và Trung Quốc lâu nay dẫn đầu lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng, tuy nhiên, thời gian gần đây có dấu hiệu sụt giảm về tỷ trọng. Vì thế đây cũng được xem là cơ hội để tìm giải pháp phát triển, mở rộng thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng một cách bền vững, chất lượng hơn.
Đà Nẵng cần nhanh chóng có thêm các sản phẩm du lịch mới để tạo sự mới mẻ cho du khách. Trong ảnh: Du khách tham quan khu du lịch Bà Nà Hills. |
Theo thống kê của Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng là 878.719 lượt khách, trong tổng số 1,82 triệu lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, chiếm 49,9% (năm 2018 chiếm 54,8%); tổng số lượt khách Trung Quốc là 337.601 lượt, chiếm 19,2% (năm 2018 chiếm 21,5%). Như vậy, tỷ lệ khách của hai thị trường này có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là gần 5% và 2,3%.
Sự sụt giảm này khiến một số đơn vị lữ hành khai thác khách khá lo lắng trong việc giữ chân khách cũng như chuyển hướng tìm kiếm những thị trường khách mới. Là một trong những đơn vị thường xuyên khai thác thị trường khách Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Sang, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này như hiện tại không phải là mùa cao điểm khách Trung Quốc, điểm đến chưa có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới nên khách chuyển hướng sang các điểm đến mới hơn…
Ông Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omegatour (chuyên khai thác khách Hàn Quốc) lại cho rằng, theo chu kỳ 10 năm thì khách sẽ tìm những điểm đến mới. Hiện tại, khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đang bị chững lại và có sự sụt giảm nhẹ. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy, các đơn vị khai thác thị trường khách cũng như ngành du lịch Đà Nẵng cần sớm có giải pháp định hướng, tìm kiếm thị trường mới thay thế cho phù hợp.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố chỉ ra nguyên nhân của sự sụt giảm số lượng khách của một số thị trường có thể là do điểm đến không còn mới, sức mua giảm, các doanh nghiệp lữ hành bị lỗ và có sự cạnh tranh từ các điểm đến khác.
Ông Cao Trí Dũng cũng lý giải, khó khăn chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường. Để có thể cạnh tranh đưa khách đi Đà Nẵng, thì doanh nghiệp phải có mức giá phát động thị trường thấp và muốn có lãi thì phải bù đắp bằng các nguồn thu khác. Hiện Đà Nẵng không khuyến khích hình thức khai thác này nên trong ngắn hạn khách sẽ giảm.
Do đó, cần phải nhanh chóng bù đắp bằng các thị trường khách khác, phát triển hệ thống sản phẩm hướng đến thị trường khách đi lẻ, khách cao cấp, khách MICE... Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Sang cho rằng, ngành du lịch cần phải liên tục làm mới sản phẩm du lịch, nhanh chóng có thêm các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và đủ sức hấp dẫn du khách đến với Đà Nẵng.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có thị trường khách trọng điểm là Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, hạn chế của du lịch Đà Nẵng là việc tập trung thu hút khách từ các thị trường gần nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng về số lượng, dẫn đến tỷ trọng khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng lượng khách quốc tế. Điều này gây mất cân đối về cơ cấu khách du lịch quốc tế cũng như rủi ro khi phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, Đà Nẵng đang phải cạnh tranh gay gắt với các điểm đến trong khu vực và trong cả nước như: Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)… Đà Nẵng cũng đang chia sẻ khách với những thị trường mới này, nên bị giảm về số lượng khách cũng như số đêm nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc và Hàn Quốc chịu sự chi phối, ép giá của doanh nghiệp nước ngoài, phụ thuộc vào lợi nhuận từ mua sắm, dịch vụ ngoài chương trình. Bởi thực tế, các đối tác lữ hành đưa người nước ngoài vào giám sát dịch vụ, kiểm soát hoạt động kinh doanh, làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến…
Trong thời gian tới, để tránh phụ thuộc vào một số thị trường khách nhất định, ngành du lịch thành phố triển khai kế hoạch mở rộng thị trường khách quốc tế giai đoạn 2019-2020, xúc tiến mở các đường bay quốc tế từ các thị trường lớn như Úc, Nga, Ấn Độ…; duy trì hiệu quả và gia tăng nguồn khách đường bay trực tiếp Doha (Qatar) - Đà Nẵng; xây dựng quy chế phối hợp thông tin giữa các ngành du lịch, công an, công thương, ngân hàng Nhà nước, tài chính… để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch, đặc biệt là du lịch “0 đồng”…
6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng đón khoảng 4,32 triệu lượt khách, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế khoảng 1,82 triệu lượt, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm; khách nội địa khoảng 2,50 triệu lượt, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm. Chi tiêu bình quân của khách khoảng 3,46 triệu đồng (khách quốc tế là 4,6 triệu đồng; khách nội địa là 2,6 triệu đồng); ngày lưu trú bình quân là 2,7 ngày. Tổng số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 64.632 lượt, tăng 2% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, khách Trung Quốc 39.594 lượt, khách Âu - Mỹ khoảng 25.030 lượt (chiếm 39% tổng lượng khách). Về cơ bản, khách Trung Quốc giảm hơn 13.114 lượt so cùng kỳ năm 2018, nhưng khách Âu-Mỹ lại tăng đột biến (tăng 13.786 lượt so cùng kỳ 2018). |
Bài và ảnh: THU HÀ