Doanh nghiệp chế tạo sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch

.

Sở hữu đồng thời 2 lợi thế nghiên cứu và sản xuất, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ Đà Nẵng đang là những “người lính thiện chiến”, cung cấp “quân khí”, “tư trang”... cho công cuộc phòng, chống Covid-19 của thành phố. 

Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang góp phần đắc lực trong phòng, chống Covid-19 Trong ảnh: Máy sản xuất khẩu trang y tế của Công ty TNHH Châu Đà. Ảnh: PHONG LAN
Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đang góp phần đắc lực trong phòng, chống Covid-19 Trong ảnh: Máy sản xuất khẩu trang y tế của Công ty TNHH Châu Đà. Ảnh: PHONG LAN

Nằm trong Khu Công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), Công ty TNHH Châu Đà là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cấp chứng nhận khoa học và công nghệ của Đà Nẵng. Sản phẩm chính của công ty là các loại máy đột, máy cắt... công nghệ cao. Trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty Châu Đà cho ra mắt một sản phẩm đặc biệt: máy sản xuất khẩu trang y tế “made in Việt Nam”.

Ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc Công ty Châu Đà cho biết, vào tháng 3, nhận thấy nhu cầu khẩu trang y tế vẫn còn tăng cao, ông đã nghĩ đến việc phải nghiên cứu, tạo ra công nghệ để tự sản xuất khẩu trang, tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Chỉ trong 15 ngày tập trung nghiên cứu, tham khảo các mẫu thiết kế của nước ngoài, Công ty Châu Đà đã cho ra sản phẩm máy sản xuất khẩu trang “made in Việt Nam” với công suất lên đến 100 chiếc khẩu trang/phút. “Trước mắt, chúng tôi mong muốn đáp ứng đủ nhu cầu cho Đà Nẵng, sau đó mới tiếp tục triển khai những địa phương, vùng lân cận trên cả nước. Khi chuyển giao công nghệ thành công, doanh nghiệp sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mà còn giảm bớt sự khan hiếm của mặt hàng khẩu trang”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, Công ty CP Công nghệ QCM (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) - một doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác của Đà Nẵng - đã nghiên cứu tự động hóa máy hồi sức thủ công, biến loại máy này thành phương tiện tiềm năng để trợ thở lâu dài cho bệnh nhân. Trong chưa đầy một tuần, đội ngũ nghiên cứu của Công ty QCM đã tìm hiểu cơ cấu thay thế hành động bóp tay của con người với chi phí rẻ nhất. Cơ cấu này dùng túi khí y tế cấp cứu có sẵn trên thị trường để bảo đảm tính an toàn, thể tích và áp suất khí cung cấp vào cho cơ thể người. Việc bóp máy được tự động hóa bằng bằng động cơ bước nhỏ (ngay trong tình huống đại dịch thì động cơ này cũng không khan hiếm) hoặc xi-lanh điện, mô-tơ điện...

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng thiết lập phần mềm giao tiếp để nhân viên y tế lâm sàng có thể thay đổi nhịp thở của bệnh nhân khi cần thiết cũng như giám sát áp suất khí vào cơ thể bệnh nhân.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Công ty QCM cho biết: “Chúng tôi hy vọng các hệ thống như vậy có thể đóng vai trò cầu nối giữa việc cấp cứu hô hấp và bác sĩ lâm sàng được đào tạo về liệu pháp hô hấp. Như vậy, các bệnh viện có thể tập trung nguồn lực cho những bệnh nhân nặng nhất. Những bệnh nhân nhẹ hơn sẽ được máy móc hỗ trợ dưới sự giám sát của các nhân viên y tế”.

Hiện tại Công ty QCM đã chế tạo hoàn chỉnh hệ thống sẵn sàng cho thử nghiệm lâm sàng. Tỷ lệ nội địa hóa của hệ thống đạt khoảng 50-60%. Theo ông Chương, trong thời gian đến, Công ty QCM sẽ căn cứ quy chuẩn của Bộ Y tế về máy thở để đối chiếu với nghiên cứu của mình, tiến đến đăng ký tiêu chuẩn. Đơn vị sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng cho thiết bị khi đủ tiêu chuẩn, sẵn sàng phương án nâng cấp thiết bị theo hướng máy thở xâm lấn. Mục tiêu là nâng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm để giảm chi phí, công suất sản xuất dự kiến là 20 máy/ngày.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Văn Hoàng nhìn nhận, trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc các doanh nghiệp khoa học và công nghệ nỗ lực nghiên cứu, chế tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu cấp bách là rất đáng ghi nhận. Sở sẽ đồng hành với các doanh nghiệp trên chặng đường đi từ phiên bản thử nghiệm đến phiên bản thương mại.

PHONG LAN - TRẦN NHIÊN

;
;
.
.
.
.
.