Trong khoảng hai thập niên gần đây, Đà Nẵng ưu tiên tập trung nguồn lực lớn cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch và tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được từng bước hoàn thiện khá đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng giao thông ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức.
Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư 9 cây cầu qua sông Hàn kết nối giao thông để phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: KHẢ THỊNH |
Phát triển hạ tầng giao thông
Kiến trúc sư (KTS) Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng thành phố) chia sẻ, trước năm 1997 (thời điểm thành phố Đà Nẵng chia tách ra từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), hạ tầng kỹ thuật ở đô thị rất yếu kém.
Hạ tầng giao thông là yếu nhất bởi kết nối bờ đông - tây qua sông Hàn chỉ có 2 cây cầu tại một địa điểm là cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ) và cầu Trần Thị Lý (đường sắt). Tuy nhiên, kể từ năm 2000, thành phố lập quy hoạch và đầu tư phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông; xác định đầu tư phát triển giao thông đi trước một bước trong phát triển đô thị.
Trong đó, từ năm 2008, thành phố đã đầu tư 9 cây cầu qua sông Hàn kết nối giao thông để phát triển kinh tế-xã hội; giai đoạn trước đó từ năm 1997-2007, các trục giao thông nội thị được đầu tư kéo theo việc hình thành các khu đô thị mới ở khu vực vùng ven nội thành. Đà Nẵng đã tích hợp và phát triển kết nối tất cả các loại hình vận tải và bảo đảm hạ tầng kỹ thuật về một đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia và quốc tế.
Về đường hàng không, Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam sau Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Hiện Sân bay quốc tế Đà Nẵng có 2 nhà ga đón khách, nhà ga T1 chuyên phục vụ các chuyến bay nội địa và nhà ga T2 phục vụ các chuyến bay quốc tế; hệ thống phục vụ sân đỗ hiện đại… có khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn như: Boeing 747, Boeing 777, AN-124, MD-11… Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được lập quy hoạch, nâng công suất lên 30 triệu lượt khách vào năm 2030.
Về đường sắt, Ga Đà Nẵng hiện thuộc vào loại lớn và tốt nhất miền Trung, khá khang trang, sạch đẹp; có phòng đợi tàu được trang bị máy lạnh, đầy đủ tiện nghi, sức chứa khoảng 200 người và nhiều dịch vụ bổ sung phục vụ hành khách như: nhà hàng ăn uống, quầy bar, điện thoại công cộng, quầy bán sách báo, khu vực tắm rửa, nhà vệ sinh…, an ninh trật tự khu vực nhà ga được bảo đảm.
Ga Đà Nẵng được mở rộng trở thành ga khu đoạn với 3 tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua Đà Nẵng có chiều dài khoảng 40,3km. Hiện tuyến đường sắt và Ga Đà Nẵng có chủ trương di dời ra trung tâm thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 12.636 tỷ đồng.
Cảng biển là đầu mối giao thông thủy kết nối với đường hàng hải quốc tế. Cảng Đà Nẵng nằm trong vịnh Đà Nẵng rộng 12km2 với độ sâu tối đa 17m có thể tiếp nhận tàu hàng lên đến 50.000 DWT, tàu container đến 2.500 TEUs, tàu khách đến 75.000 GRT. Cảng có hệ thống giao thông đường bộ khá tốt nối liền thông suốt với ga hàng không, ga đường sắt; cách quốc lộ 1A khoảng 15 km và dễ dàng kết nối với các tuyến đường 14A, 14B, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Dung Quất; đặc biệt Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Hiện thành phố cũng xúc tiến đưa vào quy hoạch và đầu tư phát triển mới thêm Cảng Liên Chiểu để hình thành các khu cảng chức năng.
Về đường bộ, Đà Nẵng đã kết nối các trục giao thông đối ngoại với quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; cao tốc La Sơn - Túy Loan; quốc lộ 14B và 14 G kết nối với khu vực Tây Nguyên và Quảng Nam. Hiện thành phố đang đề xuất chủ trương xây dựng Hành lang Kinh tế Đông Tây 2 đi từ Đà Nẵng - cửa khẩu Đak-ốc (tỉnh Quảng Nam) - huyện Đăc Chưng (tỉnh Sekong) - thị xã Pakse (Lào).
Tiếp cận nhanh về giải pháp tổ chức giao thông thông minh
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, hiện sở tăng cường công tác quản lý, chủ động triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống giám sát điểu khiển giao thông thông minh, nhân rộng hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Về giải pháp về tổ chức giao thông, thành phố thực hiện tổ chức giao thông một chiều ở một số tuyến đường; cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ; lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông; xây dựng các vịnh dừng đỗ xe trước các trường học; quy định phân luồng tuyến các loại ô-tô tải, hoạt động theo giờ, theo tải trọng.
Đồng thời, thành phố xây dựng và triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố gắn với phát triển, quản lý, khai thác tốt kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những điều kiện cần để xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư 9 cây cầu qua sông Hàn kết nối giao thông để phát triển kinh tế - xã hội . Trong ảnh: Một góc cầu Trần Thị Lý (mới xây dựng) và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông đô thị, sẽ có nhiều giải pháp dài hạn, trung hạn. Về dài hạn, đó là quy hoạch thành phố theo hướng đô thị đa trung tâm, quy hoạch và xây dựng các đô thị mới, các trục đường theo định hướng giao thông, quy hoạch và xây dựng hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn (metro, tramway…).
Về trung hạn, thành phố triển khai đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông (cầu đường, nút giao thông, bãi đỗ xe…) song song với việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng (xe buýt, xe buýt nhanh).
Đà Nẵng đã có những bước tiếp cận đầu tiên đối với “hệ thống giao thông thông minh” là vào năm 2012, thông qua dự án dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông nhằm quan sát tình hình giao thông các các nút giao, khu vực; phục vụ điều tiết giao thông.
Để phát triển giao thông đô thị Đà Nẵng bền vững, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thành phố đang triển khai một số giải pháp về khai thác và quản lý hạ tầng giao thông. Theo đó, thành phố cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải gắn với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất theo hướng hiện đại hóa, ưu tiên sử dụng đất để phát triển giao thông công cộng, hạn chế xây dựng công trình cao tầng tập trung đông người ở khu vực trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang xây dựng quy hoạch phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao vào quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Thành phố cũng triển khai dự án cảng Liên Chiểu để giảm tải cho cảng Tiên Sa và giúp kết nối tuyến vận tải hàng hóa hiệu quả hơn với tuyến đường bộ quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và tuyến đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt cao tốc trong tương lai; xúc tiến di dời ga đường sắt, tuyến đường sắt đô thị từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi Hội An.
Đồng thời, thành phố cũng kiểm soát việc cấp phép xây dựng đối với công trình tập trung đông người như trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... phải bảo đảm diện tích bãi đỗ xe và thực hiện chặt chẽ công tác hậu kiểm sau cấp phép; đồng thời có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các nút giao thông khác mức, các bãi đỗ xe khu vực trung tâm.
Tính đến cuối năm 2019, mạng và trục giao thông đối nội, đối ngoại của thành phố Đà Nẵng hiện có trên 1.436km, trong đó có 119km2 đường quốc lộ, 72km đường tỉnh, 1.087km đường đô thị, 110km đường cấp huyện, xã và 44km đường chuyên dụng trong các khu, cụm công nghiệp và 73 cây cầu có tổng chiều dài 14,8km. Về đường thủy, thành phố có 7 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài trên 63km; trong đó có 2 tuyến đường thủy nội địa quốc gia dài 19,9km và 5 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 43,3km. |
Nhu cầu đầu tư dự án hạ tầng trọng điểm với giá trị 6,3 tỷ USD “Trong thời gian tới để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố, Đà Nẵng cần nhu cầu tổng vốn dự kiến lên tới gần 6,3 tỷ USD. Số liệu của UBND thành phố Đà Nẵng xác định nhiều dự án đang có nhu cầu vốn lớn như: dự án xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Đà Nẵng dự kiến 4 tỷ USD; dự án đường sắt đô thị Đà Nẵng (gồm 2 tuyến) dự kiến 750 triệu USD; dự án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng dự kiến 201,4 triệu USD; dự án Cảng Liên Chiểu dự kiến 147 triệu USD; dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng dự kiến 678 triệu USD và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng dự kiến 137 triệu USD…” - (Nguồn: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045- Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
TRIỆU TÙNG