Sẵn sàng phục hồi ngành du lịch

.

Dù chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn đang nỗ lực triển khai các kịch bản tái khởi động bám sát với tình hình kiểm soát Covid-19 trong và ngoài nước.

Du khách nước ngoài dạo chơi trên bờ biển Đà Nẵng. (Ảnh chụp chiều 9-5)								                    Ảnh: THU HÀ
Du khách nước ngoài dạo chơi trên bờ biển Đà Nẵng. (Ảnh chụp chiều 9-5). Ảnh: THU HÀ

Trong những ngày tình hình dịch bệnh tạm lắng lại, các doanh nghiệp du lịch đã ưu tiên củng cố nội lực và xây dựng các chương trình xúc tiến kích cầu, đặc biệt là đối với thị trường nội địa. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho hay, công ty hiện có 3 kịch bản về sự phục hồi của lượng khách hậu Covid-19 được triển khai đến từng đơn vị trực thuộc.

Theo kịch bản lạc quan nhất (Việt Nam công bố hết dịch vào tháng 6), lượng khách nội địa sẽ hồi phục vào tháng 9, lượng khách từ nước ngoài đến Việt Nam bắt đầu tăng từ quý 4-2020 và đến năm 2021, bắt đầu xuất hiện dòng khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài. “Trong dịp lễ 30-4, 1-5 vừa qua, có thể thấy khách du lịch đến Đà Nẵng có xu hướng tự đi theo từng nhóm gia đình, nghỉ ngơi ở những khu nghỉ dưỡng. Đây cũng sẽ là xu hướng chính trong thời gian trước mắt. Do vậy, chúng tôi đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch dành cho đối tượng khách này bên cạnh đối tượng khách lẻ ghép đoàn. Song song với đó, Vitours cũng sẽ phát triển hình thức du lịch xây dựng đội nhóm (teambuilding) với quy mô từ nhỏ đến lớn”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, hiện nay, đa phần các doanh nghiệp du lịch đều tập trung vào thị trường khách nội địa bởi đây là thị trường được đánh giá sẽ sớm phục hồi, vô hình trung khiến cạnh tranh tăng cao. Bên cạnh đó, khách du lịch hiện tại có xu hướng tìm hiểu thông tin trên internet rồi tự đi thay vì thông qua các công ty lữ hành. Trước bối cảnh đó, Vitours sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc khai thác khách. “Chúng tôi sẽ tập trung quảng bá hình ảnh, video về du lịch Đà Nẵng trên các trang mạng xã hội; đồng thời, sẽ huấn luyện toàn bộ nhân viên về marketing kỹ thuật số”, ông Tùng chia sẻ.

Trong khi đó, Khách sạn Sông Hàn - Nhà khách UBND thành phố (quận Hải Châu) cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, công suất hoạt động của khách sạn gần như về 0. Tuy vậy, đây cũng là dịp để đơn vị tập trung củng cố nội lực, lên phương án mời gọi khách du lịch sau khi tình hình dịch bệnh lắng lại. Hiện nay, Khách sạn Sông Hàn đang triển khai xúc tiến đến các công ty lữ hành ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên.

Ngành du lịch thành phố đang nỗ lực quảng bá hình ảnh thân thiện, mến khách. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ du khách, 108 Bạch Đằng. (Ảnh chụp tháng 2-2020)					          Ảnh: HÀ KHUÊ
Ngành du lịch thành phố đang nỗ lực quảng bá hình ảnh thân thiện, mến khách. TRONG ẢNH: Du khách quốc tế tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Hỗ trợ du khách, 108 Bạch Đằng. (Ảnh chụp tháng 2-2020). Ảnh: HÀ KHUÊ

Đến tháng 9, khi tình hình dịch bệnh ở một số khu vực trên thế giới có thể ổn định hơn, đơn vị sẽ tiến hành xúc tiến thị trường khách nước ngoài (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản...). Ông Lê Tuấn, Phó Giám đốc Khách sạn Sông Hàn nhìn nhận: “Chúng tôi dự kiến tình hình có thể tạm phục hồi vào khoảng cuối năm nay, song để đạt được mức độ khách như cũ thì chưa thể nói trước được”. Ông Tuấn đề nghị, để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch quay lại hoạt động sau thời gian tê liệt vì dịch bệnh, các cơ quan Nhà nước nên có những chính sách giảm thuế VAT, phí bến bãi, phí sân bay, phí tham quan ở một số địa điểm... nhằm tạo động lực cho du khách.

Thông tin từ Sở Du lịch, hiện sở đang tập trung quảng bá hình ảnh Đà Nẵng an toàn, thân thiện đến các thị trường khách và nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch mới để du khách có thêm lựa chọn. Cụ thể, sở phối hợp với hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện chương trình kích cầu nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn”, trong đó Đà Nẵng triển khai từ tháng 3 đến tháng 8-2020. Bên cạnh đó, sở cũng tiếp tục triển khai “Kế hoạch đa dạng hóa thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2019-2021”, ưu tiên thị trường gần, có kết nối đường bay trực tiếp và có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ASEAN.

Nhằm kích cầu du lịch, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam xây dựng các gói giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ du lịch. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình, thành phố cũng sẽ đầu tư các sản phẩm du lịch mới như: Phố đi bộ chợ đêm Bạch Đằng; cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi, Khu K20, Thái Lai, Phố đêm 24/7; các sản phẩm mới trên đường sông (tuyến Sông Hàn - Ngũ Hành Sơn), đường biển (Vịnh Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà)... Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thành các hạng mục hạ tầng bến phục vụ du lịch đường thủy nội địa, triển khai đầu tư hình thành dịch vụ phục vụ người dân và du khách tại công viên hai đầu cầu và trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa ngành du lịch, Sở Du lịch sẽ tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh và bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực sau ảnh hưởng dịch bệnh (về nghiệp vụ, chiến lược phục vụ khách du lịch các thị trường Ấn Độ, Nga; tư duy dịch vụ, cách lập ngân sách kinh doanh, các lớp nghiệp vụ buồng; các lớp phổ biến bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch...).

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.