Các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động hiện nay.
Máy sản xuất khẩu trang mới được nghiên cứu, chế tạo của Công ty TNHH Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ). Ảnh: PHONG LAN |
Đầu tháng 7, Công ty CP VBPO (quận Hải Châu) chính thức trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) thứ 9 của Đà Nẵng với đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa quy trình autobot. Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc công ty cho biết, đây là hệ thống tự động hóa quy trình bằng robot tương tác giữa người và máy tính nhằm tăng năng suất lao động, có thể thay thế các hệ thống tương tự của nước ngoài với chi phí thấp hơn.
Hệ thống được xây dựng trên mã nguồn mở, có độ tin cậy cao, bảo đảm vận hành ổn định, có thể tương tác liên tục và lâu dài trên các ứng dụng máy tính của người dùng. Theo ông Huy, hệ thống tự động hóa quy trình autobot cũng đã được thương mại hóa.
Năm 2019, doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh trên hệ thống này đạt hơn 42% tổng doanh thu công ty. Dự kiến năm 2020, con số này sẽ đạt 67,53%. Ông Huy chia sẻ: “Chúng tôi ấp ủ hệ thống này từ năm 2017, khi “cơn bão” tự động hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra cho công ty nhiều thử thách mới. Nhờ đó, công ty dần chuyển mình với việc từ một đơn vị gia công đơn thuần, VBPO mang thêm sứ mệnh tối ưu hóa năng suất doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ”.
Cũng trong đầu tháng 7, dự án nghiên cứu, chế tạo máy sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Châu Đà (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đã được thành phố quyết định hỗ trợ đổi mới công nghệ với mức 75% tổng kinh phí dự án. Ông Tô Tấn Trung Dũng, Giám đốc công ty cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19 nên nhu cầu về khẩu trang y tế tăng lên nhanh chóng, số lượng đơn vị có nhu cầu mua thiết bị sản xuất khẩu trang cũng gia tăng.
Trước tình hình đó, Công ty Châu Đà đã nghiên cứu và chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế với giá thành thấp hơn máy nhập khẩu, hiện đã cung cấp 35 máy cho các đơn vị trong nước và tiếp tục thương thảo hợp đồng với các đơn vị khác có nhu cầu. Theo Hội đồng đánh giá (gồm đại diện một số sở liên quan và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), việc chế tạo máy sản xuất khẩu trang y tế của Công ty Châu Đà là quá trình nghiên cứu giải mã công nghệ, từ đó thiết kế và chế tạo thiết bị, làm chủ công nghệ.
Cuối tháng 5-2020, dựa trên đề nghị của Hội Doanh nghiệp huyện Hòa Vang, Sở Khoa học và Công nghệ đã khảo sát thực tế tại 5 doanh nghiệp trên địa bàn huyện nhằm nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp sau Covid-19 để có phương án hỗ trợ kịp thời. Tại mỗi doanh nghiệp, đoàn công tác đã trao đổi và nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, quy trình công nghệ sản xuất, tình hình áp dụng đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp và nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ của đơn vị.
Đoàn cũng tiến hành khảo sát thực tế các dây chuyền máy móc thiết bị do doanh nghiệp tự đầu tư phục vụ đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Mục đích chính của các chính sách này tăng cường hoạt động chuyển giao và khả năng tiếp nhận công nghệ, làm chủ công nghệ được chuyển giao của các doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu công nghệ tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa; gắn hoạt động nghiên cứu triển khai với việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 56 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ từ các chính sách trên với tổng số kinh phí hơn 4 tỷ đồng, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ. Trong đó, một số dự án được hỗ trợ như đầu tư thiết bị công nghệ dây chuyền sơn tĩnh điện tự động tại Công ty CP nhôm kính Nam Ân (quận Liên Chiểu); đầu tư thiết bị công nghệ máy trung tâm gia công đứng DMG MORI MODEL DMC650 tại Công ty TNHH SX&TM Minh Thịnh Lợi (quận Ngũ Hành Sơn); nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy uốn cong thép hình trục đứng cỡ lớn tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu Công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ)...
PHONG LAN