Lần bùng phát thứ 2 của Covid-19, Đà Nẵng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp ngừng trệ, các hoạt động dịch vụ và sản xuất đều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, các ngân hàng thương mại cần có những động thái kịp thời để giúp người vay giảm bớt khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Các doanh nghiệp đang chờ chính sách hỗ trợ từ phía các ngân hàng trước ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ hai. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 4-2020). Ảnh: M.QUẾ |
Doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải - du lịch tiếp tục là những đơn vị chịu ảnh hưởng đầu tiên khi Covid-19 bùng phát lần thứ 2. Khởi động lại bằng việc cho chạy 1/3 số xe trong bãi, ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng - Taxi Tiên Sa cho hay, dù tháng 5 công ty khởi động lại nhưng phải chính thức vào tháng 7, khi thị trường du lịch nội địa có những khởi sắc thì công ty mới cho toàn bộ xe xuất bãi, ra đăng kiểm xe cùng nhiều chi phí khác với hy vọng dần phục hồi. Tuy nhiên, chưa kịp vận hành ổn định thì công ty tiếp tục ngừng hoạt động từ ngày 28-7.
Ông Nguyễn Văn Hiền bày tỏ: “Có lẽ, năm nay công ty phải tạm gác hoạt động, vì kể cả khi thành phố công bố khống chế được dịch bệnh thì bước vào mùa mưa bão, ít có khách du lịch. Việc ô-tô để lưu trú tại bãi như hiện nay cũng khiến tăng thêm chi phí hao mòn và hư hỏng, nhưng chúng tôi không biết làm gì khác”. Dù công ty tạm ngừng hoạt động nhưng số lãi ngân hàng hằng tháng lên đến vài trăm triệu đồng là một áp lực lớn đối với đơn vị. Do đó, công ty đang chờ các ngân hàng đối tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, song hiện vẫn chưa có thông báo chính thức.
Trong khi đó, ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Du lịch và Dịch vụ thương mại Long Hiền cho biết, sau khi làm việc với các ngân hàng đối tác từ lần ảnh hưởng đầu tiên của Covid-19 từ tháng 2 đến tháng 4 vừa rồi, công ty nhận thấy kể cả đã có Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì mỗi ngân hàng cũng có động thái khác nhau. Có ngân hàng thì nhanh chóng hỗ trợ khách hàng thực hiện hồ sơ, có ngân hàng không “mặn mà” lắm với việc hướng dẫn. Chính vì vậy, theo ông Thiên, trong đợt ảnh hưởng lần thứ 2 này do Covid-19, các doanh nghiệp vận tải gần như “tê liệt”.
Công ty hy vọng sẽ sớm có những động thái hỗ trợ tích cực từ phía các ngân hàng thương mại. Không chỉ các doanh nghiệp vận tải - du lịch, các chủ doanh nghiệp trong những ngành nghề khác cũng đang lo lắng trước tình hình hiện nay. Là chủ của 10 tàu cá đang neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang và không có nguồn thu trong thời điểm hiện nay, anh Đặng Ngọc Cường (trú tại quận Sơn Trà) cho hay, anh chỉ mong ngân hàng có ngay động thái tích cực về việc giảm lãi vay hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Bởi lẽ, việc trả lãi đúng hạn cho 2 ngân hàng anh đang vay hiện nay quả là khó khăn vào thời điểm dịch bệnh như thế này.
Vẫn có một số công trình còn thi công từ năm 2019 tới nay, tuy nhiên, Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng Dinco (1 trong 8 doanh nghiệp của thành phố tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp) hiện đang gặp khó khăn vì không có nhiều đơn hàng xây dựng mới. Ông Lê Trường Kỹ, Giám đốc công ty cho biết, từ đầu năm đến nay, các đối tác nước ngoài của công ty không thể qua Việt Nam để triển khai các dự án được, nguồn thu còn lại của công ty là các dự án bước sang giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 từ khi bắt đầu khởi công vào năm 2019. Lần bùng phát thứ 2 của Covid-19 tại Đà Nẵng là một khó khăn lớn cho nhiều doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn chưa nhận được thông báo nào từ phía 3 ngân hàng thương mại đối tác trong việc cơ cấu lại khoản nợ hay giảm lãi suất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng, nêu thực tế từ đầu năm đến nay, thị trường ô-tô liên tục sụt giảm do tác động từ nhiều yếu tố. Công ty chưa kịp vui mừng vì chính sách giảm 50% lệ phí ô-tô trước bạ được Chính phủ ban hành đầu tháng 7 thì Covid-19 bùng phát trở lại tại Đà Nẵng. Như vậy là công ty tiếp tục tạm ngừng hoạt động từ cuối tháng 7 nên không có nguồn thu nhập. Việc không phát sinh thu nhập nhưng vẫn phải chi trả bảo hiểm xã hội, tiền lương nhân viên và lãi suất của 3 ngân hàng thương mại trong tháng 8 là “bài toán” khó cho công ty.
Các doanh nghiệp đang chờ chính sách hỗ trợ từ phía các ngân hàng trước ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ hai. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: M.QUẾ |
Trao đổi PV Báo Đà Nẵng, ông Trần Ngọc Ân, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, từ khi Covid-19 bùng phát trở lại, rất nhiều doanh nghiệp đã đề nghị tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần 2, vì đợt gia hạn đầu tiên theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN đa số đã hết thời hạn vào cuối tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Hiện ngân hàng đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp và gửi hồ sơ ra ngân hàng hội sở để thẩm định các trường hợp này. Ông Ân nói: “Thực tế, giúp doanh nghiệp cũng là việc ngân hàng tự giúp mình. Agribank Đà Nẵng đang cố gắng trong khả năng của mình để hỗ trợ khách hàng, còn với việc giảm lãi vay thì ngân hàng phải chờ Thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ: “Đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gọi điện tới đường dây nóng của NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ nguyện vọng sớm có những động thái, chính sách từ NHNN cho các doanh nghiệp đang vay vốn tại các ngân hàng thương mại. NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng đã gửi đề xuất, kiến nghị lên NHNN Việt Nam từ đầu tháng 8, tuy nhiên đến nay chưa có phản hồi lại.
Chính bản thân tôi cũng rất nóng lòng khi thấy các doanh nghiệp thành phố bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch này”. Ông Võ Minh cho biết, ngay khi có thông tư chính thức từ NHNN Việt Nam, NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng sẽ sớm triển khai cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố nắm bắt để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng vì Covid-19.
MAI QUẾ