Phục hồi ngành du lịch

.

Dù chưa có thống kê cụ thể về những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, song ngành du lịch thành phố cần có thời gian và các giải pháp cụ thể để có thể phục hồi lại sự nhộn nhịp như vốn có trước đây.

Các giải pháp phục hồi du lịch cần phải phù hợp với tình hình mới, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn tháng 6-2020.  Ảnh: THU HÀ
Các giải pháp phục hồi du lịch cần phải phù hợp với tình hình mới, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn tháng 6-2020. Ảnh: THU HÀ

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động vận tải hành khách đi, đến Đà Nẵng đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép hoạt động trở lại; các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố cũng được mở cửa đón khách...

Tuy nhiên, để ngành du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố phục hồi thì không dễ. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) Lê Tấn Thanh Tùng đánh giá, việc tái khởi động hoạt động du lịch lần này sẽ khó hơn so với đợt dịch bệnh trước đó vì Đà Nẵng là nơi diễn ra dịch bệnh. Chưa kể, từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm là mùa thấp điểm của du lịch nội địa. Qua hai đợt dịch, kinh tế khó khăn cộng với tâm lý lo sợ dịch bệnh trong cộng đồng vẫn còn nên người dân hạn chế đi du lịch.

Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist Co., Ltd) Nguyễn Sơn Thủy cho biết, hiện tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn khi đợt Covid lần thứ hai xuất hiện. “Dù đã được đón khách, nhưng nhiều cơ sở lưu trú chưa muốn mở cửa lại vì lượng khách không bù đắp chi phí điều hành. Họ chọn phương án đóng cửa cắt lỗ tốt hơn là mở cửa lại trong tình trạng thị trường bây giờ.

Những người làm du lịch cho rằng dù khó khăn nhưng du lịch Đà Nẵng vẫn có cơ hội để phục hồi bằng cách tổ chức các sự kiện nổi bật, thu hút khách.  Trong ảnh: Du khách tham quan, mua sắm tại Chợ đêm Sơn Trà vào đầu tháng 7-2020.  Ảnh: THU HÀ
Những người làm du lịch cho rằng dù khó khăn nhưng du lịch Đà Nẵng vẫn có cơ hội để phục hồi bằng cách tổ chức các sự kiện nổi bật, thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan, mua sắm tại Chợ đêm Sơn Trà vào đầu tháng 7-2020. Ảnh: THU HÀ

Với dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức du lịch trên thế giới, tình trạng khó khăn của du lịch có thể kéo dài đến hết năm 2021”, ông Nguyễn Sơn Thủy phân tích.

Do đó, khi dịch bệnh được khống chế, các địa phương cần có thông điệp mạnh mẽ về điểm đến an toàn. Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, Đà Nẵng cần tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, hội nghị... để thu hút khách. Bởi cuối năm cũng là mùa du lịch M.I.C.E (du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị), nhiều doanh nghiệp, cơ quan kết hợp hoạt động công vụ với tham quan du lịch. Ngành du lịch thành phố cần nhanh chóng triển khai các hoạt động xúc tiến tại các thị trường nội địa trọng điểm, ưu tiên phía nam, phía bắc; tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm, mời các đoàn presstrip, famtrip đến Đà Nẵng, miền Trung…

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, chính quyền địa phương của từng điểm đến phải giảm mạnh giá vé tham quan ít nhất 50% tại các điểm tham quan, áp dụng đến hết tháng 4-2021. Đồng thời dành ngân sách công và xã hội hóa để tổ chức các sự kiện lớn nhỏ, nhằm thu hút nhu cầu khách du lịch, trước mắt là khách nội địa.

Thành phố cần xây dựng các chuỗi dịch vụ du lịch khác nhau, theo từng hạng sao và phân khúc thị trường tại ba địa phương Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam để liên kết tour một cách chặt chẽ, bảo đảm mỗi du khách tham gia 1 tour tại cả 3 điểm đến, mỗi đêm lưu trú và tham gia các hoạt động tại từng địa phương. Ngoài ra cần xúc tiến mạnh các đối tượng gia đình, đi theo nhóm nhỏ tại các tỉnh lân cận, từng điểm đến vì sau dịch nhu cầu đi theo đoàn sẽ không nhiều và không đi xa.

Thực tế, sau đợt Covid-19 lần thứ nhất hồi đầu năm, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, Đà Nẵng đã xây dựng các chương trình kích cầu riêng biệt để vực dậy ngành du lịch bằng cách giảm giá, nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, tăng tiện ích cho chuyến đi của du khách, tạo ra được tiếng vang và thu hút khách. Minh chứng là chỉ trong hơn 1 tháng thực hiện các chương trình kích cầu “Danang thank you 2020” (từ ngày 23-5 đến 23-6) các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đón phục vụ khoảng 191.000 lượt khách… Vì vậy, ngành du lịch thành phố cũng đề ra một số chương trình, giải pháp để từng bước khôi phục các hoạt động du lịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Tán Văn Vương, trước mắt, sở tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và lãnh đạo thành phố để thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Sở đề xuất phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng thông qua việc hoàn thiện và trình UBND thành phố “Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Đà Nẵng”; xây dựng dự thảo chính sách khuyến khích phát triển kinh tế ban đêm; đôn đốc các sở, ngành liên quan để triển khai các nội dung về đầu tư đối với dự án Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng...

Tiếp đến là triển khai các nội dung theo kế hoạch truyền thông du lịch Đà Nẵng, kế hoạch khai thác thị trường nội địa. Đối với thị trường khách quốc tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên thế giới và Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế, Sở Du lịch sẽ triển khai kế hoạch khai thác, đa dạng hóa thị trường quốc tế năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế; trong đó tập trung truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng.

Đồng thời phổ biến 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch đến các đơn vị kinh doanh du lịch và các đơn vị liên quan; triển khai “Kế hoạch nguồn nhân lực du lịch 2020” và tổ chức các lớp đào tạo miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp...

 THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích