Cùng với các tài nguyên sông, núi, biển do thiên nhiên ưu đãi, Đà Nẵng có thêm lợi thế cảng nước sâu Tiên Sa rất thuận lợi cho việc khai thác thị trường khách du lịch tàu biển. Thời gian qua, nhiều hãng tàu biển lớn đã chọn Đà Nẵng là điểm dừng chân cho du khách trong hành trình khám phá bằng những tàu biển hạng sang.
Một tàu du lịch biển vận chuyển du khách cập cảng Tiên Sa vào cuối năm 2019. Ảnh: SONG KHUÊ |
Theo đánh giá của những đơn vị chuyên khai thác chở khách bằng tàu biển, cảng Tiên Sa nằm ở vịnh Đà Nẵng, phía đông thành phố, rộng 12km2, độ sâu 12-17m, được bao bọc bởi núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà; có đê chắn sóng dài 450m, thuận lợi cho những chiếc tàu lớn từ 3.000-5.000 khách cập cảng. Chưa kể, từ Đà Nẵng có các tuyến đường biển đi hầu hết các cảng lớn của Việt Nam và thế giới như Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc), Manila (Philippines), Singapore, Malaysia, Thượng Hải (Trung Quốc), Yokohama (Nhật Bản)... Đây là những điều kiện rất thuận lợi phát triển mạnh du lịch tàu biển tại Đà Nẵng. Chưa kể cảng biển Đà Nẵng ngày càng được mở rộng về cầu cảng, nâng cấp hệ thống đường sá, đặc biệt là công tác làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách nhanh gọn và thuận lợi, dần tiến đến trở thành cảng hiện đại chuyên phục vụ khách du lịch.
Trong giai đoạn 5 năm từ 2012-2017, với sự gia tăng của các chuyến tàu khách cập cảng, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng số lượt khách du lịch tàu biển đạt 10,8% và về số chuyến tàu đạt 5,4%. Năm 2012, Đà Nẵng đón 57 chuyến tàu với 52.570 lượt khách, đến năm 2017 đón 87.798 lượt khách (74 chuyến tàu). Nếu như giai đoạn 2008 - 2011, thị trường khách chủ yếu của loại hình du lịch tàu biển là Anh, Úc, Mỹ, Đức, từ năm 2012 đến nay thị trường khách Trung Quốc luôn chiếm trên 80%. Mùa tàu biển năm 2019, Đà Nẵng đón 101 chuyến tàu biển với khoảng 130.000 lượt khách, tăng 13% về số lượng khách và tăng 8 chuyến tàu so với mùa tàu biển năm 2018. Như vậy tốc độ tăng trưởng về số lượng tàu biển và số lượng khách khá lớn.
Tính đến nay, những hãng tàu có tiếng tăm trên thế giới từng cập cảng Đà Nẵng như: Star Cruises, Costa Cruises, AIDA Cruises, Dream Cruises, Holland America Cruises, MSC Cruises, Azamara Cruises, Oceania Cruises, Seabourn Cruises, Hapag-Lloyd Cruises, Silversea, Windstar Cruises, Viking Cruises, Prespige Cruise Holding, Diamond Cruise International... đưa khách du lịch từ các thị trường Úc, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc… đến tham quan, trải nghiệm tại Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên.
Thực tế, nhiều năm qua, để hấp dẫn và thu hút khách du lịch tàu biển đến với Đà Nẵng, các đơn vị chuyên khai thác khách du lịch tàu biển như: Công ty Lữ hành Saigontourist, Công ty TNHH Pacific Legend, Công ty TNHH Destination Asia, Công ty TNHH MTV Khang Huy… đã chủ động xây dựng nhiều chương trình du lịch phù hợp với thị hiếu của dòng khách này. Thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức hội nghị du lịch tàu biển cuối năm 2018 với sự tham gia của các chuyên gia, các hãng tàu lớn, các đơn vị chuyên khai thác khách tàu biển để lắng nghe những chia sẻ, vướng mắc trong việc đưa, đón khách đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển.
Bà Trương Thị Thu Hương, Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho rằng, để phát triển du lịch tàu biển, Đà Nẵng cũng như những địa phương có cảng biển khác cần có chính sách riêng cho phát triển du lịch tàu biển. Trong đó, phải đầu tư hệ thống cảng biển dành riêng cho đón khách tàu biển, có nhà ga đón khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ, các trung tâm mua sắm hiện đại, vui chơi giải trí đồng bộ tại khu vực cảng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong giai đoạn chưa có cảng biển hành khách riêng biệt, đối với các địa phương có cảng biển quốc tế, cần phải có chính sách ưu tiên hơn cho các hãng tàu du lịch cập cảng so với tàu chở hàng. Đồng thời, tăng cường tính liên kết giữa đơn vị quản lý cảng, công ty lữ hành, hãng tàu biển và các cơ sở cung ứng dịch vụ, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí để hỗ trợ cho thu hút khách du lịch tàu biển. Nghiên cứu các sản phẩm du lịch dành cho đối tượng trong độ tuổi trên dưới 40, các sản phẩm du lịch tàu biển dành cho các đối tượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè, khách MICE... Kết cấu gói sản phẩm du lịch nằm trong các hành trình ngắn ngày (từ 2 đến 6 ngày). Kết nối sản phẩm trong hành trình của các hãng tàu biển từ trung tâm du lịch tàu biển như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc)... Cùng với đó, sản phẩm du lịch tàu biển của Việt Nam phải có điểm nhấn tạo ra sự khác biệt về văn hóa, di sản, ẩm thực, dịch vụ bổ trợ, mua sắm hàng hóa... với các điểm đến trong khu vực trong cùng một hành trình nhằm nâng cao khả năng thu hút khách, tăng thời gian lưu trú trên bờ và tăng khả năng chi tiêu của khách...
Đại diện Công ty TNHH MTV Khang Huy chuyên khai thác khách tàu biển đến Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tối thiểu đối với một khu vực cảng du lịch; kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng cơ quan quản lý Nhà nước thảo luận, họp bàn xem mở rộng thêm các sản phẩm du lịch về đêm tại thành phố để tăng thời gian lưu lại của khách. Đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, phát triển thị trường và khai thác để từ đó có thêm sự cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng so với các điểm đến khác về mảng cung cấp dịch vụ lữ hành...
SONG KHUÊ