Triển khai nhiều chương trình, dự án về xây dựng "Thành phố môi trường"

.

Kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố (khóa IX) đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ năm 2021, trong đó tổ chức phê duyệt đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030; phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra là “Thành phố môi trường” và đến năm 2030 là “Đô thị sinh thái”.

Trong các công trình, dự án, có công trình đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng cho Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: MINH HÀ
Trong các công trình, dự án, có công trình đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng cho Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Ảnh: MINH HÀ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hơn 10 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn liền với bảo vệ môi trường với tổng kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng, trong đó, tổng vốn ODA 511,4 triệu USD, tổng vốn tư nhân 131 tỷ đồng, tổng chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách thành phố cho các dự án thuộc lĩnh vực môi trường hơn 1.300 tỷ đồng... Theo TS. Nguyễn Đình Huấn, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, trong những năm đến, thành phố cần huy động các nguồn lực để đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn hiện đại và áp dụng thêm phương pháp ủ làm phân, tạo khí đốt để giảm khối lượng rác, tro phải đem chôn lấp. Đồng thời, đầu tư kinh phí để di dời, bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở nội đô đến nơi phù hợp và hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để giảm phát thải các thành phần gây ô nhiễm môi trường; đầu tư kinh phí để cải tạo, nâng cấp các trạm xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu, từng bước tự động hóa trong xử lý và quản lý nước thải; cải thiện môi trường các ao hồ...

Thành phố cũng bố trí diện tích đất trong đô thị và huy động các nguồn lực trồng thêm nhiều cây xanh; khuyến khích người dân đầu tư các mảng xanh, không gian xanh và tiết kiệm năng lượng... PGS.TS Trần Văn Quang, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đà Nẵng đề xuất, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, thành phố cần tập trung nguồn lực, kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án, công trình, phi công trình để kiểm soát môi trường; đánh giá các mối quan hệ giữa nguồn tiêu thụ và dòng tuần hoàn vật chất; đánh giá mối quan hệ giữa đô thị và nông thôn... để làm cơ sở hướng đến thành phố sinh thái.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trong những năm đến, thành phố sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án phi công trình và 28 công trình theo 4 nhóm tiêu chí của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 với tổng kinh phí khái toán hơn 12.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 2.630 tỷ đồng, vốn ODA 4.350 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 5.560 tỷ đồng. Theo đó, đối với nhóm tiêu chí phòng ngừa ô nhiễm, thành phố sẽ đánh giá, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi, thay thế các trang thiết bị lạc hậu, tiêu tốn năng lượng bằng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi các phương tiện công cộng chạy bằng động cơ điện; đầu tư, thay thế xe buýt hiện có sang xe buýt mới đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu (Euro); triển khai xây dựng khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững.

Đối với nhóm cải thiện môi trường, thành phố xây dựng bổ sung các tuyến đường ống thu gom nước thải trên địa bàn thành phố như: tuyến đường Nguyễn Tất Thành, dọc tuyến đường ven sông Hàn - Túy Loan, tuyến đường 2 Tháng 9, Trần Hưng Đạo nối dài (đoạn từ cầu Tiên Sơn đến Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn)... Đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải phân khu Tây Nam, Tây Bắc, đoạn dọc sông Cu Đê... Thành phố sẽ đầu tư mở rộng Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, Trạm xử lý nước thải khu dân cư tại huyện Hòa Vang...; cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tại các khu tập trung như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất, khu kinh doanh dịch vụ tập trung; cải tạo, đầu tư nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn ở khu vực trung tâm thành phố, dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa.

Thành phố cũng sẽ xử lý, cải thiện môi trường các hồ, đầm trên địa bàn; đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Đồng thời, hoàn thành đầu tư, vận hành các trạm trung chuyển rác thải tại khu vực tuyến đường Lê Thanh Nghị và khu vực quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ; xã hội hóa đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố và đầu tư các dự án xử lý chất thải nguy hại, phân bùn bể phốt; đầu tư phương tiện cơ giới hóa để thu gom rác sau bão, lũ tại các bãi biển... 

Đối với nhóm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn trong hoạt động cải tiến công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; triển khai phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời tuyên truyền, vận động sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường; đầu tư sản xuất các loại túi, bao gói dễ phân hủy trong tự nhiên thay thế túi, bao gói khó phân hủy...

MINH HÀ

;
;
.
.
.
.
.