Đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng năm 2021

.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đã trải qua giai đoạn xây dựng nền móng cơ bản. Để tiếp tục phát triển mạnh trong giai đoạn mới, nhiều vấn đề cần được giải quyết như: thiếu nhà đầu tư, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa nhiều, tinh thần đổi mới sáng tạo ở những người trẻ vẫn còn chưa cao...

Các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đoàn viên thanh niên và sinh viên có chất lượng tăng theo từng năm. Trong ảnh: Sinh viên tham dự Festival Khoa học công nghệ Đại học Đà Nẵng năm 2020. Ảnh: PHONG LAN
Các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đoàn viên thanh niên và sinh viên có chất lượng tăng theo từng năm. TRONG ẢNH: Sinh viên tham dự Festival Khoa học công nghệ Đại học Đà Nẵng năm 2020. Ảnh: PHONG LAN

Là một trong những startup “đời đầu” của thành phố có mặt gần 5 năm nay, Công ty CP Công nghệ Hekate (quận Hải Châu) từng gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư tại Đà Nẵng. Anh Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc công ty cho biết: “Nhiều nhà đầu tư muốn chúng tôi chuyển trụ sở vào Thành phố Hồ Chí Minh hoặc sang Singapore để tiếp cận vốn tốt hơn, có thị trường lớn hơn. Chúng tôi rất trăn trở về điều đó và mong rằng trong 5 năm tới, Đà Nẵng sẽ thật sự trở thành một điểm đến uy tín, hiệu quả đối với các nhà đầu tư khởi nghiệp”.

Theo anh Đức, hiện thị trường của Đà Nẵng còn khá nhỏ so với Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy khó có điều kiện phát triển cho những doanh nghiệp khởi nghiệp B2C (tức phục vụ khách hàng cá nhân). “Đà Nẵng có thể tạo ra những chính sách khuyến khích người dân, chính quyền “dám” tiên phong sử dụng sản phẩm/dịch vụ startup địa phương. Chúng ta chỉ có một triệu người, nhưng nếu một triệu này có khả năng tiên phong, chấp nhận những sản phẩm mới và chịu chi thì chưa chắc chúng ta đã thua những thị trường khác. Mặt khác, khi có nhà đầu tư uy tín muốn rót vốn vào startup Đà Nẵng, chính quyền có thể xem xét cùng đầu tư để nhà đầu tư thấy được sự tin tưởng, quyết tâm của thành phố. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích người Đà Nẵng khởi nghiệp ở Đà Nẵng, bởi họ là những người hiểu rõ văn hóa bản địa và nội lực của thành phố này nhất. Tôi mong muốn Đà Nẵng rồi sẽ thực sự trở thành một thành phố khởi nghiệp, hay thành phố của những ước mơ - nơi những ước mơ khởi nghiệp sẽ thành hiện thực”, anh Đức chia sẻ.

Cũng liên quan đến vấn đề đầu tư khởi nghiệp, bà Lê Thị Mỹ Nga, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Công ty TNHH Hermes Management (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, cần tận dụng nguồn lực tài chính ở các cá nhân, doanh nghiệp để tạo thành nguồn vốn đầu tư thiên thần (thường xảy ra trong giai đoạn đầu nhằm hiện thực hóa ý tưởng hoặc thúc đẩy tăng trưởng) cho các startup. Để làm được điều đó, nên có những cách truyền thông để mọi người hiểu hơn về kênh đầu tư cho startup, xem đây là một lựa chọn bên cạnh những kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, chứng khoán… Bà Nga đặt ra câu hỏi: “Tại sao có những sản phẩm đạt giải cao trong những cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, sau 2-3 năm vẫn chưa có nhà đầu tư để mắt đến? Một phần lý do là chúng ta thiếu các nhà đầu tư trong nước hiểu rõ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, khởi nghiệp cần phải đi đôi với nghiên cứu phát triển, các bằng sáng chế dành cho sản phẩm hay quy trình… Để làm được điều đó, cần có sự đồng hành của các trường đại học, vườn ươm doanh nghiệp. Nếu xem các startup như những hạt giống của hệ sinh thái thì những thành tố khác như nhà trường, viện nghiên cứu, nhà đầu tư… cũng cần được hỗ trợ sao cho các hạt giống nảy mầm tốt nhất. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Văn Hoàng, từ năm 2021, Sở sẽ có kế hoạch phối hợp với các trường đại học trên địa bàn thành phố để tìm những nhà khoa học, chuyên gia cùng đồng hành với các dự án khởi nghiệp ở từng lĩnh vực cụ thể.

PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) nhận định, Đà Nẵng hiện đã có hệ sinh thái khởi nghiệp với gần đủ các thành tố như trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp đầu đàn, quỹ đầu tư, nhà cố vấn, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ…, song từng thành tố vẫn còn yếu, cần những chính sách cụ thể để tập trung đẩy mạnh. PGS.TS Hùng bày tỏ: “Một bài toán hiện nay là làm sao kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp một cách hệ thống, thay vì chỉ xuất phát từ quan hệ cá nhân là chính như hiện nay. Để đi từ một đề án nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo đến thực tế cần có những không gian chung để các bên trao đổi, hợp tác với nhau. Hiện nay, khởi nghiệp đã vào được trường đại học nhưng thực sự chưa đến nơi đến chốn, một phần cũng vì thiếu những kết nối, những không gian như vậy. Thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp nếu họ cần sự tham gia nghiên cứu từ nhà trường”.

Bà Nguyễn Thị Anh Thảo, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho hay, những năm qua, Thành Đoàn đã tổ chức nhiều sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên thanh niên và sinh viên với chất lượng tăng dần theo từng năm. Hiện nhiều đoàn viên thanh niên tiếp cận thông tin qua mạng xã hội, vì vậy ngoài truyền thông qua báo đài, Thành Đoàn sẽ đẩy mạnh truyền thông trên các kênh thân thiện với giới trẻ. Trong năm 2021, Thành Đoàn sẽ tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đoàn viên khối THPT, thực hiện chuỗi phóng sự khởi nghiệp cùng thanh niên Đà Nẵng.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích