Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đêm

.

Chiều 16-4, tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm tại Việt Nam”. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chủ trì hội thảo với sự tham gia của đại điện các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch Nguyễn Quý Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án kinh tế đêm, mở đường cho du lịch đêm phát triển, trong đó có khuyến khích một số dịch vụ cho phép hoạt động từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Các sản phẩm du lịch đêm với nhiều hình thức, hiện tập trung ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sa Pa, Hạ Long, Huế, Nha Trang...  Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế, thách thức trong phát triển du lịch đêm như thiếu quy hoạch tổng thể và cơ chế chính sách thu hút đầu tư...

Tại hội thảo, bà Phùng Phạm Thanh Thúy, Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Trung, Tập đoàn Sun Group gợi ý để phát triển du lịch đêm cần phải phát triển mạng lưới liên kết. Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi làm việc muộn hơn vào ban đêm. Tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng giao thông.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ nhu cầu của du khách, từ đó có các sản phẩm du lịch phù hợp.

Có thể tập trung vào các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương hoặc xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên về ban đêm như Đà Nẵng đang triển khai “Kế hoạch thí điểm Đà Nẵng by night”.

Một số ý kiến khác tại hội thảo tiếp tục chỉ ra hiện trạng đang thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi, thiếu chỗ tiêu tiền; đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch bền vững...

Về phía Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương đưa ra đề xuất, Tổng cục Du lịch cần phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để sớm ban hành các chính sách đặc thù về phát triển kinh tế ban đêm; sớm đề xuất các mô hình phát triển sản phẩm du lịch về đêm ở một số trung tâm du lịch, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và nhu cầu, thị hiếu của khách. Nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch ban đêm cấp quốc gia để định vị hình ảnh với các thị trường quốc tế.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Hà Văn Siêu đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến của các đơn vị với nội dung chuyên sâu, sát với nội dung nhiệm vụ Tổng cục đang xây dựng. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra trong đề án cần giải quyết, sẽ có khó khăn, thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Trong đó, cần xác định các loại hình cần khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm tính bền vững là yêu cầu then chốt.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.