Ngoài thế mạnh về phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có giá trị, cây mía cũng là một trong những sản phẩm chủ lực mà bà con nông dân xã Hòa Bắc đầu tư nhiều năm nay. Để giải quyết bài toán năng suất, chất lượng, đầu ra cho người trồng mía, các cấp chính quyền xã Hòa Bắc cùng với ngành chức năng đã và đang triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển cây mía.
Mía là loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Bắc. TRONG ẢNH: Ông Nguyễn Quang, người dân thôn Nam Yên đang thu hoạch mía. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Từ tháng 3 âm lịch hằng năm, trên những cánh đồng mía tại các thôn Lộc Mỹ, An Định, Nam Yên, Phò Nam và Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), nông dân tất bật chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Đây là thời điểm thương lái từ các nơi đổ về thu mua mía.
Ông Nguyễn Đức Thành (hộ trồng hơn 2ha mía tại thôn Nam Yên) cho biết, mặc dù cuối năm 2020, thời tiết mưa bão, ngập lụt liên tục, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mía nhưng nhờ áp dụng kỹ thuật trồng mới và sử dụng máy móc hiện đại nên sản lượng chỉ giảm khoảng 30% so với mọi năm.
Dự kiến, vụ thu hoạch mía sắp đến, gia đình ông Thành đạt năng suất khoảng 100 vác/sào (mỗi vác khoảng 25 cây). “Giống những năm trước, giá thu mua mía nguyên liệu năm nay không tăng. Hiện tại, thương lái đang thu mua với mức giá từ 50.000 - 55.000 đồng/vác đối với mía loại 1. Trừ các khoản chi phí, nhân công, gia đình tôi thu về khoảng 120 triệu đồng”, ông Thành nói.
Tương tự, ông Nguyễn Quang (trú tại thôn Nam Yên) cho hay, đây là năm thứ 6 ông chuyển đổi trồng lúa sang trồng mía. So với trồng lúa và hoa màu, cây mía đỡ tốn công và chi phí chăm sóc hơn nên nhà nào cũng trồng vài sào, kết hợp với làm nhiều công việc khác. Trong năm nay, gia đình ông Quang sẽ thu hoạch hơn 5 sào mía.
Dự kiến, mỗi sào mía loại 1 cho thu về gần 3 triệu đồng. Bên cạnh việc bán cho thương lái, đối với những sào mía có kích thước nhỏ, phát triển không đồng đều, ông Quang còn tự chặt mía để ép nước bán cho khách đi đường và người dân địa phương. Mỗi vác mía ép được khoảng 10 chai loại 1,5 lít (giá bán 20.000 đồng/chai). Nhờ chuyển đổi giống cây trồng hợp lý, đời sống kinh tế gia đình ông Quang và nhiều hộ trong thôn khá ổn định.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc, mía là loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên mía ở vùng này luôn được tiểu thương, khách hàng ưa chuộng bởi độ ngọt và chất lượng. Một số thương lái, doanh nghiệp cũng chủ động liên kết với nông dân để thu mua.
Hiện sản phẩm mía của xã đang được tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình… Được biết, toàn xã hiện có hơn 350 hộ nông dân trồng mía với diện tích khoảng 170ha (chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp) và đang bước vào mùa thu hoạch. Các giống chủ yếu được trồng gồm: K vàng (chiếm 60% diện tích trồng), ROC đỏ, ROC tím, K3, ROC 16, K92.
Để nâng cao năng suất, Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người nông dân ứng dụng công nghệ, máy móc trong sản xuất và thu hoạch để giảm sức người; sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng mía.
Đối với những vùng trồng mía có năng suất thấp, không đạt hiệu quả, xã cũng tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi giống cây mới, giảm rủi ro về kinh tế.
“Hiện đã có doanh nghiệp nước ngoài đề cập đến việc sản xuất rượu mía với nguồn nguyên liệu chính là từ mía ở Hòa Bắc. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa các mẫu mía đi phân tích. Nếu kết quả đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, hàm lượng đường… theo yêu cầu của doanh nghiệp, đầu ra của mía cũng sẽ ổn định và bảo đảm hơn”, ông Lê Minh Tuấn nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam, trong thời gian đến, xã sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm triển khai lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía cho nông dân theo hướng sạch và an toàn; đồng thời, tiến hành chuyển đổi một số giống mía mới, hiệu quả cao.
Xã Hòa Bắc cũng đang xúc tiến cho các hộ nông dân trồng mía, tiểu thương địa phương thành lập tổ hợp tác để việc trồng, chăm sóc và tiêu thụ mía bài bản, lâu dài; đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ...
VĂN HOÀNG