Năm 2021, dự báo tình hình thời tiết nắng nóng cực đoan kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tăng cao có thể gây nên tình trạng quá tải lưới điện, mất an toàn trong vận hành. Vì vậy, ngành điện đã chủ động xây dựng các phương án nhằm bảo đảm cấp điện ổn định, an toàn, chất lượng.
Công nhân ngành điện Đà Nẵng thực hiện kiểm tra, duy tu hệ thống đường dây điện nhằm bảo đảm nguồn điện vận hành ổn định, an toàn. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Chống quá tải đường dây, trạm biến áp
Để bảo đảm cấp điện ổn định và liên tục, giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ, ngay từ đầu năm, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) thường xuyên theo dõi sản lượng, công suất trên lưới điện và tình hình nguồn điện trên hệ thống. Cùng với việc rà soát, cập nhật, tiến hành phân tích, đánh giá lại các số liệu phụ tải theo từng xuất tuyến và tính chất phụ tải mỗi khu vực, đơn vị tăng cường công tác phát quang hành lang tuyến, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các khiếm khuyết của thiết bị nguồn, lưới điện; xử lý các trường hợp có nguy cơ vi phạm hành lang tuyến, đặc biệt là lưới điện 110kV.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ vệ sinh, bảo dưỡng đường dây, đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc đặc biệt đối với các xuất tuyến cấp điện quan trọng. Ngành điện thay thế các dây trung áp nhánh rẽ, thí nghiệm định kỳ, bảo dưỡng thiết bị, vệ sinh các trạm biến áp (TBA) 110kV; san tải hạ áp nhiều TBA có nguy cơ quá tải... Đến nay, PC Đà Nẵng liên tục thực hiện các công tác vệ sinh bảo dưỡng không mất điện các TBA như TBA 110 kV Liên Chiểu, Hòa Liên, Hòa Khánh 2, Ngũ Hành Sơn 110, Xuân Hà, Cầu Đỏ, Liên Trì, An Đồn và một số đường dây 110 kV nhằm bảo đảm khả năng san tải giữa các đường dây.
Theo ông Nguyễn Đình Tuân, Phó Giám đốc PC Đà Nẵng, giải pháp căn cơ nhằm cung cấp điện vào mùa khô, tránh tình trạng mất điện cục bộ như vài năm qua là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, chống quá tải đường dây và TBA. Theo đó, các điện lực thành viên căn cứ phụ tải tại các TBA có phương án san tải, nâng công suất trạm, không để xảy ra tình trạng quá tải TBA gây mất điện khách hàng. Công ty cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các TBA 110kV Chi Lăng và Cảng Tiên Sa để cung cấp điện cho phụ tải khu vực trung tâm và ven biển.
Đối với các đơn vị thành viên, ông Đặng Tuấn Linh, Phó Giám đốc Điện lực Sơn Trà cho biết, hiện đơn vị đã chủ động khai thác các tiện ích đo xa để theo dõi mức tải của các TBA, kiểm tra định kỳ, đo nhiệt độ các vị trí tiếp xúc, kiểm tra công suất đường dây hạ thế nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các khiếm khuyết trên lưới điện; hoàn thành thi công 4 TBA để san tải...
Ông Trần Thế Thọ, Giám đốc Điện lực Liên Chiểu cũng cho hay, ngay từ đầu tháng 3, đơn vị đã kiểm tra rà soát, hoán chuyển nâng công suất 4 TBA; tăng cường dây hạ thế để sang tải 4 TBA; kéo mới 17.500m dây hạ thế để tăng khả năng mang tải của đường dây khi nhu cầu dùng điện tăng đột biến trong mùa nắng nóng; vệ sinh bảo dưỡng dây; tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, sử dụng các thiết bị ít hao điện năng...
Ngành điện thi công mới các trụ điện nhằm bảo đảm cung cấp điện cho một số khu vực ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Ảnh: KHÁNH HÒA |
Chủ động các phương án
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn, PC Đà Nẵng đã chủ động xây dựng phương án vận hành cấp điện liên tục tại các trạm bơm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Qua đó, thực hiện đầu tư xây dựng đường dây trung áp cấp điện cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch thuộc đường dây 477/Cầu Đỏ, công trình nâng cao độ tin cậy cho Nhà máy nước Cầu Đỏ thuộc đường dây 472/Cầu Đỏ, Nhà máy nước Sân bay thuộc đường dây 475/Cầu Đỏ... Ngoài ra, đơn vị phối hợp Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung, Công ty Truyền tải điện 2, PC Quảng Nam, PC Thừa Thiên Huế vận hành lưới điện 220kV-110kV trên địa bàn và các đường dây liên tỉnh bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy.
Trong kịch bản phương án cấp điện các trạm bơm mùa khô 2021, điện lực chủ động đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện, vệ sinh bảo dưỡng đường dây cấp điện chính và những nguồn dự phòng khác nhằm bảo đảm các nhà máy nước, trạm bơm nhận được từ 2 nguồn điện trở lên.
PC Đà Nẵng sẽ không thực hiện tạm ngừng cung cấp điện để công tác có ảnh hưởng việc cấp điện cho các nhà máy nước, trạm bơm phục vụ chống hạn, tưới tiêu; ngoại trừ trường hợp xử lý sự cố; chuẩn bị máy phát điện dự phòng, máy biến áp lưu động, vật tư dự phòng để xử lý nhanh khi cần thiết... Trong trường hợp bất khả kháng như mất điện lưới quốc gia, sự cố đường dây và TBA 110 kV, PC Đà Nẵng sẽ nhanh chóng chuyển phụ tải các trạm bơm sang nhận điện từ đường dây khác và nhanh chóng xử lý sự cố nhằm khôi phục cấp điện trở lại bình thường nhanh nhất, góp phần bảo đảm nguồn nước phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.
“Cùng với những giải pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ nói trên, PC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện bằng nhiều hình thức qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử của công ty... nhằm chung tay bảo đảm duy trì sự ổn định, liên tục trong vận hành nguồn điện khi mùa nắng nóng cao điểm đang đến gần”, ông Nguyễn Đình Tuân cho biết.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, năm nay, dự kiến nhu cầu sử dụng điện vào mùa nắng nóng sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2020, sản lượng tiêu thụ ngày cao nhất của thành phố Đà Nẵng vào khoảng 10,9 triệu kWh, công suất ngày cực đại 575 MW. Năm 2020, công suất cực đại của hệ thống đạt 530 MW, sản lượng cao nhất đạt 10,3 triệu kWh vào ngày 10-7-2020. |
KHÁNH HÒA