Hoạt động thương mại tiếp tục là điểm sáng trong 4 tháng đầu năm 2021. Theo đó, xuất khẩu đem về 103,9 tỷ USD, nhập khẩu 102,61 tỷ USD, giúp cả nước xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Các mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trong 4 tháng đầu năm. (Ảnh: TTXVN) |
Dù nhiều thị trường lớn vẫn chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19 song xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm.
Tận dụng lợi thế từ các FTA
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy trong tháng 4-2021, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đem về 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,77 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 4 tháng qua, xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhiều mặt hàng trong nhóm tăng trưởng cao, cụ thể xuất khẩu thủy sản và hàng rau quả tăng lần lượt 6,1% và 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,39 tỷ USD và 1,35 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng tới 79,6% về lượng và tăng 111,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 486 nghìn tấn, trị giá 817 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng 13,9% về lượng và tăng 23,9 về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt. Sau 4 tháng, nhóm này đem về 89,73 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Thống kê cho thấy, các thị trường chủ lực của Việt Nam đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao. Đơn cử, thị trường Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%. Thị trường EU đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1%.
Thị trường ASEAN đạt 8,75 tỷ USD, tăng 13,3%. Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%. Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%...
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), việc xuất siêu sang EU với mức tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) nói riêng và các FTA nói chung.
“Chúng ta cũng đang tích cực tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Đây cũng là một yếu tố mà Việt Nam phấn đấu trong suốt nhiều năm qua và các doanh nghiệp đã tận dụng được rất nhiều từ các FTA này…,” ông Trần Thanh Hải nói.
Thặng dư thương mại ở mức cao
Ở chiều ngược lại, qua 4 tháng, cả nước đã chi khoảng 102,61 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số những mặt hàng nhập khẩu, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch ước đạt 22,05 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến, là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,84 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2020…
Như vậy, đến hết tháng 4, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,22 tỷ USD).
Có được kết quả trên, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19 cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, tăng giá cước tàu biển…, theo đại diện Bộ Công thương, đây rõ ràng là những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững.
Nổi bật là việc tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt các hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…
Do đó, để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết đang tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Lãnh đạo Bộ Công thương đã phân công các đơn vị chức năng tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; đồng thời củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu cũng như đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.
“Kết quả quan trọng nhất để giúp cho chúng ta đạt được thành tích vừa qua đó là yếu tố về mặt chống dịch. Vì vậy việc không lơ là, chủ quan với việc phòng chống Covid-19 sẽ là yêu cầu hết sức thiết yếu để làm nền tảng cho việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới,” lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh thêm.
- Thặng dư thương mại sau 4 tháng gần 1,3 tỷ USD:
Theo Vietnam+