Vài tháng trở lại đây, giá phân bón liên tục tăng cao kéo theo giá thành sản xuất nông nghiệp bị đội lên, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.
Nông dân của GreenTech Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) đang thu hoạch rau phục vụ người tiêu dùng. (Ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Giá phân bón tăng
Vườn bưởi 2 héc-ta của gia đình ông Đặng Văn Nhân (thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh) có gần 400 gốc bưởi, trong đó 150 gốc đang cho quả mỗi năm 2 vụ. Ông Nhân chia sẻ, vườn bưởi nhà ông được trồng hơn chục năm nay và là bưởi đặc chủng ở đất núi Hòa Ninh. Từ đầu vụ, ông đã bón 700kg phân bón (trung bình 1 cây bưởi mới trồng phải bón từ 0,5-1kg phân bón; cây trưởng thành từ 3-4kg phân bón - PV). Trong khi đó, từ sau Tết đến nay, giá phân bón tăng 40-60% khiến nhà vườn gặp khó bởi nhiều nông sản đang xuống giá, thậm chí không bán được hàng.
“Giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất và có thể cao hơn khi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, vụ hè thu năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn khi thị trường phân bón tăng ngay từ đầu vụ. Đây là thời điểm nông dân phải tập trung bón phân cho cây trồng, giá phân bón tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân. Vụ bưởi năm nay tôi đã lỗ hơn 60 triệu đồng vì bưởi rớt giá trong khi giá thành sản xuất đội lên”, ông Nhân cho biết.
Đầu tư sản xuất nông sản sạch với quy mô hơn 1 héc-ta, trang trại GreenTech Farm (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) gặp không ít khó khăn khi giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng cao. Theo Giám đốc Công ty CP xây dựng GreenTech Lê Văn Tuấn, trong vài tháng trở lại đây, giá phân bón tăng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm sạch tạm ngưng lấy hàng hoặc giảm lượng hàng hóa khiến đầu ra tiêu thụ của sản phẩm càng gặp khó khăn, giá thành giảm. “Hiện tại, toàn bộ nguyên liệu đầu vào để sản xuất tại trang trại như giống, phân bón… đều được nhập từ nước ngoài thông qua đại lý phân phối. Không chỉ giá thành của các mặt hàng này tăng mà cước vận chuyển cũng tăng khiến chúng tôi phải chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ”, anh Tuấn nói.
Giá các loại vật tư nông nghiệp tăng khiến nông dân giảm mua, đại lý cũng gặp khó. Trong ảnh: Tiệm vật tư Lạc Sang, xã Hòa Phong. Ảnh: QUỲNH TRANG. |
Giá nguyên liệu, vận tải tăng mạnh
Khảo sát của phóng viên tại một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá tùy nhãn hiệu, chất lượng, nơi sản xuất... Cá biệt như giá phân u-rê, DAP tăng từ 30%, các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng khoảng 20%, giá các loại hạt giống tăng 5-10%... khiến nông dân có nguy cơ dù sản xuất đúng vụ, được mùa nhưng không có lãi.
Ông Trịnh Tấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Nông dược Hải Vy (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chia sẻ, nguyên nhân tăng giá của một số mặt hàng vật tư nông nghiệp là do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại một số địa phương và các quốc gia trên thế giới khiến việc sản xuất, cung cấp của doanh nghiệp bị đình trệ. Mặt khác, Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn, việc vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu bị ảnh hưởng dẫn đến khan hiếm nguồn cung. Thêm vào đó, các nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu đều thông báo tăng giá, buộc nhà sản xuất trong nước phải tăng giá bán, vì thế hàng đến tay nông dân không còn giá cũ. “Giá các loại vật tư nông nghiệp tăng, không chỉ đẩy nông dân vào thế khó mà ngay cả đại lý phân phối cũng chung cảnh ngộ. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sức mua của nông dân cũng giảm”, anh Hải chia sẻ.
Tương tự, bà Sang (chủ tiệm vật tư nông nghiệp Lạc Sang, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho hay, giá phân bón các loại đã tăng liên tục trong vòng 2 tháng qua sau khi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021 và chỉ chững lại một thời gian ngắn vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Trong đó, một loại phân bón khác có mức giá tăng mạnh hơn urê là DAP, vì phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. “Như năm ngoái, trong vụ đông xuân, tôi bán nợ phân bón cho nông dân với mức giá 400.000 đồng/bao. Đến vụ hè thu, nông dân đến trả tiền phân bón cũ thì giá phân bón mới đã chạm mốc 500.000-600.000 đồng/bao, đại lý lỗ nặng”.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên địa bàn thành phố hiện có 2 đơn vị sản xuất vật tư, gồm một đơn vị sản xuất phân bón, một đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; hơn 30 đại lý, cửa hàng bán lẻ. Trước tình trạng các mặt hàng vật tư nông nghiệp tăng giá, chi cục đã triển khai công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện trên địa bàn. Kết quả, chưa phát hiện đơn vị nào bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các cơ sở kinh doanh đều chấp hành nghiêm việc bán đúng giá của nhà phân phối, không có tình trạng đầu cơ tích trữ hàng hóa để tăng giá. Ngoài ra, chi cục tổ chức kiểm tra, phân công cán bộ chuyên môn phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phù hợp với từng loại cây trồng, phòng ngừa sâu bệnh hại trong mùa nắng nóng.
“Để kiểm soát chặt chẽ thị trường vật tư nông nghiệp, chi cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm trong kinh doanh cho các đại lý, doanh nghiệp. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán các mặt hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân chọn mua vật tư tại các cơ sở kinh doanh có uy tín để tránh những rủi ro, thiệt hại”, ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều ngày 17-6, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, sau khi có hiện tượng giá tăng các loại phân bón từ đầu năm 2021, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bộ đầu mối quản lý mặt hàng phân bón nói chung) để theo dõi sát tình hình và đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón nói chung tăng trong thời gian qua. Qua đó, các bộ nhận thấy, giá tăng chủ yếu do tác động từ yếu tố bên ngoài. Cụ thể, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng, chi phí vận tải tăng. Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình giá của phân bón để khuyến nghị những giải pháp phù hợp theo đúng quy định. |
HẢI ÂU - VĂN HOÀNG