ĐNO - Chiều 26-8, Sở Công thương cho biết đã gửi văn bản hướng dẫn việc triển khai hoạt động lại của chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố.
UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch và chủ động quyết định mở lại các chợ truyền thống bảo đảm tuân thủ quy định của Bộ Công thương và Bộ Y tế.
Theo đó, chỉ cho phép những tiểu thương không thuộc các vùng cách ly y tế và tiểu thương đang lưu trú tại phường, xã có chợ được hoạt động trở lại tham gia vào việc cung ứng.
Các ban quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ thông điệp 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng.
Bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng; có lắp tấm che chống giọt bắn theo từng quầy sạp.
Không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ bán hàng thông qua ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố (ban điều hành); huy động các lực lượng đoàn thể: phụ nữ, thanh niên, tình nguyện viên, tổ dân phố… tại địa phương tham gia mua hàng, giao nhận hàng cho người dân.
Chia tần suất đi chợ theo địa bàn tổ dân phố với khung giờ nhất định. Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng có kế hoạch mở lại các chợ thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị theo phương án đã trình Sở Công thương.
Trước mắt, tổ chức thí điểm mở lại chợ Hàn (ngày 27-8), chợ Cồn (ngày 28-8). Đồng thời, sớm nghiên cứu mở lại chợ đầu mối Hòa Cường, bảo đảm các điều kiện quy định trong phòng, chống dịch.
UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp các đơn vị cung ứng tổ chức điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu tập trung (chợ tạm), các điểm bán hàng lưu động trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu phòng, chống Covid-19, bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm; bố trí lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các điểm bán hàng trên. Việc mua hàng tại các chợ tạm, điểm bán hàng lưu động được thực hiện thông qua ban điều hành.
Chủ tịch UBND các phường, xã kiểm tra, rà soát trên địa bàn để xem xét quyết định và chịu trách nhiệm cho một số quầy tạp hóa hoạt động lại (quầy tạp hóa phải rộng rãi, thông thoáng, không mở các quầy tạp hóa trong kiệt, hẻm có khoảng cách nhỏ trên nguyên tắc bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, người bán hàng thực hiện “3 tại chỗ”).
Việc mua hàng tại các cửa hàng tạp hóa được thực hiện thông qua ban điều hành. Đối với việc cấp Thẻ nhận diện, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng lập phương tiện vận chuyển bằng ô-tô, danh sách tiểu thương và người phục vụ gửi Sở Công thương tổng hợp để gửi Công an thành phố cấp Thẻ nhận diện, Giấy đi đường.
UBND các quận, huyện lập danh sách phương tiện vận chuyển bằng ô-tô của tiểu thương, nhà cung ứng hàng thiết yếu cho tiểu thương để Sở Công thương tổng hợp gửi Công an thành phố cấp Thẻ nhận diện.
Riêng đối với giấy đi đường của tiểu thương và người phục vụ tại các chợ truyền thống do quận, huyện quản lý, chợ tạm trên địa bàn quận, huyện; UBND các quận, huyện lập danh sách gửi Công an thành phố cấp.
QUỲNH TRANG