ĐNO - Kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của ngành Y tế trong tháng 8 và tháng 9 có nhóm đối tượng là người cung cấp dịch vụ thiết yếu bao gồm: lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên nghiệp vụ bắt buộc đi cùng trên phương tiện vận tải hàng hóa…
Tuy nhiên, do nhu cầu lớn, số lượng lái xe đông nên đa phần doanh nghiệp vận tải đều có nhu cầu được ưu tiên tiêm cho toàn bộ tài xế của mình để yên tâm vận chuyển.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của lái xe trước khi vào thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN |
Là doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, ông Nguyễn Khắc Hậu, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ vận tải Khải Hoàng Ngân (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, sau khi có thông báo của các cơ quan chức năng, đơn vị lập tức đăng ký cho các lái xe được tiêm vắc-xin nhưng do làm hồ sơ trễ, nên được thông báo tiêm lần tới.
Mong muốn của doanh nghiệp là tất cả lái xe sẽ được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể. Hiện tại, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khi vẫn phải bỏ ra số tiền lớn test nhanh và xét nghiệm PCR cho lái xe.
Trong khi đó, lái xe Trần Văn Tân thuộc Công ty CP Container Đà Nẵng - một doanh nghiệp vận tải lớn trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics tại Việt Nam, mong muốn được ưu tiên hỗ trợ việc tiêm vắc-xin trong thời gian sớm nhất để những tài xế yên tâm vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Võ Duy Nghi, Chủ tịch HĐQT Công ty Amity Logistics, qua tính toán thực tế cho thấy, một đơn vị có khoảng 100 lái xe, chi phí xét nghiệm trong 1 tháng (2 lần/tuần) ước khoảng 200 triệu đồng (giá trung bình 230.000 đồng/lần test).
Đó là với test nhanh, còn với xét nghiệm PCR, chi phí đội lên rất nhiều lần, mức giá từ 800.000-1 triệu đồng/lần. Chưa kể, kết quả xét nghiệm (dù là test nhanh hay PCR) cũng chỉ có giá trị trong 72 giờ. Do vậy, đây cũng là khoản chi phí không nhỏ đối với doanh nghiệp trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, nhiều tài xế đi chưa hết hành trình, giấy xét nghiệm đã lại hết hạn, việc này vừa gây mệt mỏi cho đội ngũ tài xế và gây khó khăn với hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Chính vì vậy, hầu như doanh nghiệp vận tải nào cũng kiến nghị tiêm ngừa sớm cho đội ngũ lái xe.
Theo Sở Giao thông vận tải, sau 2 lần triển khai tiêm vắc-xin cho tài xế qua danh sách nộp về sở, thành phố đã có 2.242 lái xe được tiêm. Trong đó, 1.060 lái xe taxi, lái xe buýt; 1.182 lái xe vận tải hàng hóa.
Do tính chất công việc đặc thù nên các đối tượng lái xe có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng nên cần đưa đội ngũ lái xe vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao để sớm tiêm phòng vắc-xin. Đây cũng là việc làm cấp thiết để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ thị trường.
THÀNH LÂN