Xây dựng phương án mở lại chợ truyền thống

.

ĐNO - Công tác cung ứng, phân phối hàng hóa theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND ngày 14-8-2021 của UBND thành phố chỉ phù hợp trong điều kiện ngắn ngày cố định, nếu giãn cách kéo dài sẽ dễ đứt gãy chuỗi cung cầu. Vì vậy, việc xây dựng phương án phục hồi hệ thống chợ là cần thiết.

Điểm chợ tạm tại địa bàn Nại Hiên Đông giúp giải quyết phần nào khó khăn cung ứng thực phẩm cho người dân. Ảnh: QUỲNH TRANG
Điểm chợ tạm tại địa bàn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà giúp giải quyết khó khăn trong cung ứng thực phẩm cho người dân. Ảnh: QUỲNH TRANG

Quận Thanh Khê có 12 chợ truyền thống đang tạm dừng hoạt động do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 của thành phố. Những ngày qua, tất cả các nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn đều được phân phối thông qua ban điều hành tại các tổ dân phố.

Tại buổi làm việc với Quận ủy Thanh Khê chiều 20-8 về công tác phòng, chống Covid-19, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị quận Thanh Khê thí điểm mô hình “chợ xanh” an toàn.

UBND quận Thanh Khê cho biết, quận đã xây dựng phương án từng bước khôi phục chợ truyền thống bởi có thêm một số kho hàng, điểm cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân tại chỗ đối với những vùng an toàn là hết sức cần thiết.

Bà Trần Tường Vân, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho hay, việc mở lại chợ chỉ mới ở bước kế hoạch, xây dựng phương án, còn tùy thuộc vào tình hình phòng, chống dịch chung toàn thành phố.

Tuy nhiên, trong trường hợp các chợ truyền thống được phép hoạt động trở lại, thì chỉ cho phép 20-30% hộ tiểu thương đang cư trú tại địa bàn có chợ “vùng xanh” bán các mặt hàng thiết yếu, tập trung 3 nhóm: rau, củ, quả, thịt, cá.

Ban quản lý chợ sẽ sắp xếp, bố trí giãn cách các sạp hàng, quầy hàng bảo đảm khoảng cách 3-5 mét. Mỗi gian hàng phải trang bị vách ngăn để các tiểu thương không giao tiếp trực tiếp với nhau, khoảng trống lối đi đủ rộng để tiểu thương tổ chức vận chuyển hàng hóa…

Ngoài ra, quận sẽ có một số yêu cầu phòng, chống dịch đối với các tiểu thương tham gia bán hàng tại các chợ.

“UBND quận dự kiến tổ chức khôi phục hoạt động lại 3 chợ: Phú Lộc (phường Thanh Khê Tây), Tân An (phường An Khê), chợ Siêu thị Nguyễn Kim (phường Chính Gián). Các chợ hoạt động từ 5-16 giờ hằng ngày, tần suất đi chợ 3 ngày/lần.

Các hộ dân đăng ký với tổ cung ứng tại các khu dân cư xác định nhu cầu nhu yếu phẩm, đặt hàng cho các tiểu thương, các tiểu thương chuẩn bị hàng hóa, giao nhận và thanh toán tại các tổ cung ứng theo các phương thức phù hợp…”, bà Vân thông tin thêm.

Trong khi đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, quận dự kiến hoạt động lại 2 chợ theo thứ tự ưu tiên: chợ Khuê Mỹ, chợ Non Nước và có kèm các điều kiện tiêu chí cụ thể khi mở chợ trở lại như: xác định“vùng xanh” để thiết lập chợ, hàng hóa cung cấp tại chợ cho người dân ở “vùng xanh” có chợ, thời gian hoạt động của chợ: 4 giờ/ngày, từ 5-9 giờ hằng ngày.

Điểm bán hàng lưu động khu vực phường Mỹ An trước ngày thành phố thực hiện siết chặt giãn cách. Ảnh: QUỲNH TRANG
Điểm bán hàng lưu động khu vực phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn trước ngày thành phố thực hiện siết chặt giãn cách. Ảnh: QUỲNH TRANG

Ông Lê Minh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cho hay, quận đã xây dựng phương án khôi phục chợ theo từng địa bàn. Ví dụ, khi phường Khuê Mỹ là “vùng xanh” thì đưa chợ Khuê Mỹ vào hoạt động để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho khoảng 5.207 hộ gia đình với khoảng 21.000 nhân khẩu.

Tổng số lượng hộ kinh doanh hàng thiết yếu hiện ở tại phường là 58 hộ, gồm các nhóm mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt, cá, rau, gia vị, thực phẩm khô, trái cây…

“Cách thức mua hàng tại chợ là người dân đặt hàng qua tổ cung ứng hàng hóa ở khu dân cư của phường có “vùng xanh”. Tổ cung cấp hàng hóa tại các khu dân cư “ vùng xanh” cũng thực hiện giãn cách khi đi chợ (luân phiên).

UBND các phường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể việc đi chợ theo giờ cho các tổ cung cấp hàng hóa tại các khu dân cư (tổ cung ứng hàng hóa khu dân cư A, B, C… đi chợ từ 6-7 giờ; tổ cung ứng hàng hóa khu dân cư D,E,F… đi chợ từ 7-8 giờ trong ngày…)”, ông Hòa cho biết thêm.

Trước đó, ngày 19-8, UBND quận Sơn Trà đã hoàn thành và gửi Sở Công thương phương án khôi phục hoạt động chợ trên địa bàn quận theo tiêu chí bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và tiểu thương buôn bán tại chợ là người ở tại phường có chợ (không nằm trong khu vực cách ly y tế).

Trước mắt, quận xác định chỉ khôi phục hoạt động tại chợ An Hải Bắc (phường An Hải Bắc). Trường hợp diễn biến dịch khả quan hơn sẽ áp dụng các nội dung tương ứng của phương án này để dần khôi phục các chợ còn lại trên địa bàn.

Trong trường hợp chợ An Hải Bắc hoạt động trở lại, việc kiểm soát ra vào chợ sẽ đặc biệt chặt chẽ bằng biện pháp rào quanh chợ bằng lưới B40 (chừa lối ra vào), đóng cửa nhà đình số 1 (trừ ki ốt mặt tiền kinh doanh hàng thiết yếu); thực hiện một lối vào, một lối ra.

Mỗi lối ra, vào chợ đều có lực lượng kiểm soát, hướng dẫn và thực hiện 5K (nhất là bảo đảm khoảng cách, khử khuẩn và đo thân nhiệt). Các gian hàng trong chợ cách nhau tối thiểu 7-10 mét…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, việc khôi phục chợ truyền thống trong giai đoạn này gặp một số khó khăn.

Đơn cử, hiện tại các nguồn cung cấp rau, cá, thịt truyền thống (từ chợ đầu mối Hòa Cường, cảng cá Thọ Quang và lò mổ Đà Sơn) đã bị đứt gãy và chưa rõ ngày khôi phục nên tiểu thương không tiếp cận được.

Ngoài ra, tiểu thương chưa sẵn sàng đi bán hàng trong điều kiện dịch còn phức tạp (theo khảo sát trực tiếp với tiểu thương qua điện thoại thì có khoảng 60-70% tiểu thương không muốn kinh doanh buôn bán trong giai đoạn này).

Hiện, quận Sơn Trà tiếp tục duy trì hoạt động 12 điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, chợ tạm để cung cấp thực phẩm cho nhân dân các phường. 

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.