ĐNO - Sáng 5-8, tại Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Chủ trì hội nghị, về phía Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; về phía địa phương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, phát triển ngành dịch vụ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại các giá trị to lớn, không chỉ tạo động lực cho kinh tế phát triển mà còn khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế và văn hóa của đất nước, con người Việt Nam, tạo lập, củng cố sự liên kết giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quá trình xây dựng đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là đề án).
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, qua 25 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố được đầu tư tương đối đồng bộ và toàn diện phục vụ cho các ngành dịch vụ, công nghiệp.
Đặc biệt, thành phố đang báo cáo các bộ, ngành để trình Chính phủ Đề án Trung tâm tài chính quy mô khu vực và xây dựng Đề án thành lập Khu phi thuế quan. Những chủ trương, định hướng và những bước đi của thành phố như trên sẽ là nền tảng, là động lực để thúc đẩy xây dựng, phát triển ngành dịch vụ nói riêng và kinh tế - xã hội của thành phố nói chung trong thời gian đến.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phải phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển ngành dịch vụ phải chú trọng phát triển hạ tầng. Các địa phương phải lựa chọn ngành dịch vụ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương và đầu tư hạ tầng đồng bộ để thúc đẩy các ngành dịch vụ này phát triển.
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng thành phố đã chú trọng đầu tư hạ tầng, đơn cử là đầu tư Công viên phần mềm số 1, qua hơn 10 năm đã thành công. Thành phố đang tiếp tục đầu tư khu Công viên phần mềm số 2. Tuy nhiên, vướng mắc đầu tư hạ tầng hiện nay là luật đầu tư công không cho phép đầu tư ngân sách công vào các khu, cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi, hải đảo.
Một vấn đề rất được quan tâm thảo luận tại hội thảo đó là nâng cao, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp cho biết, chi phí logistics của Việt Nam hiện nay chiếm 16,8%, so với thế giới 10,8%; hạ tầng thiếu đồng bộ khiến chi phí logistics tăng.
Thời gian tới, cần hiện đại hóa quản trị logistics, trong đó, chú trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành logistics; hợp lý hóa, đồng bộ quy trình, chuỗi cung ứng logistics, nhất là chú trọng vào vận tải biển quốc tế và vận tải hàng không quốc tế.
Ở góc độ địa phương, theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Lê Thị Kim Phương, để xây dựng và phát triển thương mại Đà Nẵng trong thời gian đến, thành phố đã xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm thương mại của đất nước; phát triển ngành thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trở thành kênh bán buôn, bán lẻ hàng hóa chủ yếu tại khu vực đô thị. Việc kết nối cung cầu hàng hóa phục vụ đô thị được bảo đảm, giá cả và chất lượng hàng hóa lưu thông ổn định; phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh và phát triển thương hiệu hàng hóa của thành phố.
Đại diện thành phố Đà Nẵng kiến nghị Trung ương hỗ trợ phát triển logistics hàng không. Trong bài toán phát triển cảng biển, thành phố đề nghị Trung ương ưu tiên đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm; đầu tư vào các địa phương có lợi thế.
Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án Trần Tuấn Anh đánh giá các báo cáo, tham luận đã phản ánh sát những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thiết thực, hữu ích cho việc hoàn thiện đề án.
Theo đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, mà cần phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Thực tế đã chứng minh, phát triển ngành dịch vụ là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ngành dịch vụ cũng có nhiều vấn đề đặt ra như Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.
Ghi nhận, đánh giá cao và cơ bản đồng tình với các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm, trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các lĩnh vực; đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ người dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng; đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp toàn dân.
“Các nội dung trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định.
QUỲNH TRANG