Tổng thống Mỹ Donald Trump có chuyến công du Argentina để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 30-11. Vừa đến Buenos Aires, ông đã tạo “cơn lốc” phủ bóng lên sự kiện này khi hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Giải quyết căng thẳng thương mại là nội dung chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina. Ảnh: Reuters |
Quyết định của Tổng thống Donald Trump hủy bỏ cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 được đưa ra với lý do: các tàu hải quân và thủy thủ của Ukraine vẫn chưa được Moscow thả sau vụ đối đầu ở ngoài khơi bán đảo Crimea hồi tuần trước. “Tôi mong chờ một hội nghị thượng đỉnh ý nghĩa sớm diễn ra khi sự việc này được giải quyết”, ông Trump viết trên Twitter, kêu gọi Nga thả các tàu và thủy thủ của Ukraine.
Tại Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tỏ ra thờ ơ với việc Tổng thống Trump hoãn cuộc gặp. Ông Peskov nói rằng, điều này sẽ giúp Tổng thống Putin dành thời gian cho “những cuộc gặp hữu ích khác” tại G20. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay, Moscow tin quyết định của Tổng thống Trump xuất phát từ những vấn đề ở trong nước, chứ không phải do căng thẳng trên biển Azov.
Theo báo Newsweek, nhiều nhà phân tích không cho rằng, việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine là lý do khiến ông Trump hoãn cuộc gặp với nhà lãnh đạo Điện Kremlin. Giới phân tích dự đoán, nguyên nhân thực sự chính là việc ông Michael Cohen - cựu luật sư riêng lâu năm của Tổng thống Trump - vừa nhận tội lừa dối Quốc hội Mỹ khi điều tra liên quan đến dự án xây dựng tháp Trump ở Moscow và cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Ông Trump đã gọi ông Cohen là “kẻ giả dối, kém thông minh và yếu đuối”.
PGS. Chris Miller về lịch sử quốc tế tại Trường The Fletcher, thuộc Đại học Tufts cho rằng, dù cuộc gặp Trump - Putin có diễn ra hay không cũng không thể khôi phục được quan hệ giữa hai nước. Song, theo PGS. Miller, Mỹ và châu Âu sẽ không có bất kỳ bước đi nào buộc Nga nhượng bộ trong vụ việc ở biển Azov.
Tổng thống Trump cũng bất ngờ hủy bỏ các cuộc gặp chính thức với hai người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, thay thế bằng việc trò chuyện bên lề hội nghị. Song, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn duy trì cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 1-12 nhằm xoa dịu căng thẳng Mỹ - Trung. Đương nhiên căng thẳng thương mại sẽ là nội dung chính được đề cập.
Tuy nhiên, không ai dự đoán được cuộc gặp Trump - Tập sẽ diễn ra như thế nào, khi chỉ mới đây, Tổng thống Mỹ nói với báo Wall Street Journal rằng, ông sẵn sàng áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 267 tỷ USD còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, năm 2019, ông Trump sẽ tăng thuế lên 25% đối với lượng hàng hóa 200 tỷ USD của Trung Quốc đã được áp thuế 10% trước đó.
Giờ đây, Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc tại Buenos Aires, nhưng ông lại cho rằng có thể không đạt kết quả nào cả. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có thỏa thuận hoặc ngược lại sẽ mất hàng tỷ, hàng tỷ USD/tháng trong thuế nhập khẩu, và tôi sẽ chẳng ngại điều gì trong hai trường hợp này”, ông Trump nói.
Có những thông tin cho rằng, Washington sẵn sàng giảm áp lực lên Bắc Kinh nếu được đáp ứng những đòi hỏi về tự do hóa môi trường đầu tư nước ngoài ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giảm thâm hụt thương mại, giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ… Trên đường đến Argentina, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết, Trung Quốc sẽ nỗ lực để thúc đẩy tiếp cận thị trường, cải thiện môi trường đầu tư và gia tăng bảo về quyền sở hữu trí tuệ. Các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc nhận định, những lời hứa như vậy quá bình thường, trong khi các nhà phân tích hoài nghi buổi ăn tối và làm việc giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ dừng lại ở mức cam kết thúc đẩy đàm phán hơn nữa.
G20 bao gồm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, chiếm 85% GDP toàn cầu, 2/3 dân số thế giới và 75% thương mại quốc tế. Song, hội nghị thượng đỉnh lần này đối mặt với quá nhiều bất đồng và khó đạt được đồng thuận trong những vấn đề “nóng”.
PHÚC NGUYÊN