Hơn 51.000 người Thụy Điển đã chết trong 6 tháng đầu năm 2020, bao gồm hơn 5.000 người tử vong vì Covid-19, cao nhất trong 150 năm qua.
Người dân mua sắm đông đúc tại trung tâm Stockholm, Thụy Điển hồi tháng 7. (Ảnh: AFP) |
Văn phòng Thống kê Quốc gia Thụy Điển ngày 19/8 cho biết tổng cộng 51.405 người Thụy Điển đã chết trong 6 tháng đầu năm nay, cao nhất kể từ năm 1869 - thời điểm Thụy Điển ghi nhận 55.431 người chết, một phần do nạn đói. Dân số Thụy Điển khi đó khoảng 4,1 triệu người, so với 10,3 triệu người hiện nay.
Tính đến cuối tháng 6, khoảng 4.500 người Thụy Điển đã tử vong do Covid-19. Con số này hiện tăng lên hơn 5.800 người. Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước Bắc Âu khác.
Dịch Covid-19 khiến số người chết tại Thụy Điển cao hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm qua. Tính riêng trong tháng 4, số ca tử vong cao hơn gần 40% so với mức trung bình do sự gia tăng về số người chết liên quan đến Covid-19.
Số người chết do dịch Covid-19 tại Thụy Điển cao hơn nhiều so với các nước láng giềng - những nơi lựa chọn các biện pháp phong tỏa cứng rắn hơn.
Na Uy, quốc gia có số dân bằng khoảng một nửa Thụy Điển, chỉ ghi nhận 260 ca tử vong do Covid-19. Phần Lan cũng chỉ có 334 người chết do Covid-19. Kinh tế Phần Lan cũng vượt trội hơn so với Thụy Điển trong quý 2, mặc dù Phần Lan triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
Chống dịch khác biệt
Theo Reuters, Thụy Điển đã áp dụng chiến lược chống dịch Covid-19 khác biệt so với hầu hết các nước châu Âu. Cách ứng phó dịch bệnh của Thụy Điển dựa trên sự tự nguyện của người dân trong việc giãn cách xã hội và không áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Hầu hết các trường học tại Thụy Điển vẫn mở cửa và nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục vận hành trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Phần lớn các quán bar, nhà hàng và tiệm làm tóc vẫn tiếp tục hoạt động. Thụy Điển cũng không bắt buộc người dân phải ở trong nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù không phong tỏa đất nước, nhưng Thụy Điển vẫn phải trả giá đắt về kinh tế. Các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn và du lịch của nước này bị tổn thất nặng nề, trong khi các doanh nghiệp sản xuất bị cắt khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.
Gần 50% nền kinh tế Thụy Điển được xây dựng dựa trên xuất khẩu hàng hóa, song cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến nhu cầu của các nước đều sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển trong năm 2020 được dự đoán sẽ giảm hơn 5% và hàng trăm nghìn người bị mất việc làm.
Theo CNN, mặc dù có cách tiếp cận chống dịch lỏng lẻo hơn, song tính đến cuối tháng 4, chỉ 7,3% dân số tại thủ đô Stockholm phát triển kháng thể cần thiết để chống lại dịch Covid-19, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 70-90% cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Phần lớn sự chỉ trích về cách ứng phó Covid-19 của Thụy Điển tập trung vào tỷ lệ tử vong cao tại các viện dưỡng lão. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell thừa nhận cơ quan y tế cộng đồng nước này "không lường trước được nguy cơ to lớn khi dịch bệnh lây lan trong các viện dưỡng lão với rất nhiều ca tử vong".
“Có những điều chúng ta lẽ ra có thể làm tốt hơn, nhưng nhìn chung Thụy Điển đã chọn đúng cách", ông Tegnell cho biết.
Theo chuyên gia Tegnell, số ca tử vong do dịch Covid-19 ở Thụy Điển cao, song không quá cao nếu so sánh với các nước trong khu vực như Bỉ, Hà Lan hoặc Anh.
Ông Tegnell phản đối khuyến cáo đeo khẩu trang rộng rãi, cho rằng "rất nguy hiểm" nếu tin chỉ che mặt sẽ ngăn được Covid-19. Ông Tegnell từng bị chỉ trích khi đưa ra chiến lược ứng phó Covid-19 “một mình một kiểu” tại Thụy Điển.
“Rất nguy hiểm nếu tin rằng khẩu trang sẽ thay đổi tình hình Covid-19. Khẩu trang có thể là một yếu tố bổ sung khi các biện pháp khác đã được thực hiện một cách an toàn. Bạn đeo khẩu trang rồi sau đó nghĩ rằng bạn có thể chen chúc trong xe buýt hay trung tâm thương mại, đó chắc chắn là một sai lầm”, ông Tegnell nhấn mạnh.
Theo Dân trí