Cuộc bầu cử tổng thống Iran diễn ra ngày 18-6 quyết định ai sẽ lãnh đạo chính phủ của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong lúc ứng phó với Covid-19 và căng thẳng gia tăng với phương Tây xung quanh thỏa thuận hạt nhân.
Bộ trưởng Tư pháp Iran Ebrahim Raisi (56 tuổi) là ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin CBS, khoảng 59 triệu cử tri Iran đủ điều kiện đi bỏ phiếu nhưng các nhà chức trách lo ngại tỷ lệ tham gia bầu cử thấp. Hơn một thập niên qua, cuộc sống của người dân Iran ngày càng khó khăn. Nền kinh tế của Iran rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài do các lệnh trừng phạt của Mỹ, nạn tham nhũng và đại dịch Covid-19 làm hơn 82.700 người tử vong. Điều này khiến người dân chán nản và không còn tin tưởng một nhà lãnh đạo mới nào có thể đưa đất nước của họ vượt qua khó khăn.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này được xem là cuộc đua song mã giữa hai phe cứng rắn và trung hòa. Hãng tin AP cho biết, sau khi 3 ứng cử viên rút khỏi cuộc đua, hiện còn 4 ứng cử viên tranh cử tổng thống, gồm 3 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn và 1 ứng cử viên theo đường lối trung hòa là ông Abdolnasser Hemmati - cựu Thống đốc ngân hàng Trung ương Iran. Trong đó, Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi (56 tuổi) theo đường lối cứng rắn được cho là gương mặt sáng giá hơn cả. Hai nhân vật theo đường lối cứng rắn còn lại là ông Mohsen Rezaei - Thư ký Hội đồng phân xử khẩn cấp, nguyên Tổng Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và ông Amir Hossein Qazizadeh Hashemi - cựu Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong bức tranh chính trị ở Iran, ông Ebrahim Raisi gây nhiều tranh cãi. Ông đã dẫn đầu cuộc đàn áp phong trào biểu tình chống chính phủ năm 2019. Nếu đắc cử, ông sẽ trở thành Tổng thống Iran đầu tiên bị Mỹ áp đặt trừng phạt cá nhân do liên quan một vụ việc cách đây 3 thập niên.
Giới quan sát nhận định, theo CBS, dưới thời ông Raisi, mối quan hệ giữa Iran với thế giới bên ngoài, nhất là với Mỹ, có thể sẽ đối đầu hơn nữa. Với Mỹ, đây sẽ là vấn đề phức tạp trong lúc Washington muốn đưa Iran trở lại bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Abbas Araqchi, đã khẳng định cuộc bầu cử tổng thống không ảnh hưởng gì đến tiến trình đàm phán ở Vienna (Áo). Theo ông Araqchi, các vòng đàm phán gián tiếp trong thời gian qua đã đạt được những tiến triển nhất định. “Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang tiến gần đến một thỏa thuận hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn những vấn đề cơ bản cần được chúng ta nhất trí thông qua”, ông Araqchi nói.
Ngay cả ông Raisi cũng nhấn mạnh, nếu đắc cử, ông sẽ tôn trọng bất kỳ thỏa thuận nào mà các nhà đàm phán Iran và Mỹ thống nhất để trở lại bàn đàm phán. Song, về cơ bản, khả năng hồi sinh JCPOA chủ yếu dựa vào quyết định của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei. Theo phân tích của CBS, ông Raisi có mối quan hệ thân thiết với ông Khamenei hơn là với Tổng thống sắp mãn nhiệm Hassan Rouhani - người theo đường lối ôn hòa và cũng là người đã ký JCPOA năm 2015. Nếu ông Raisi giành chiến thắng, chính trị gia này sẽ ủng hộ việc làm giàu uranium đến độ tinh khiết cao nhất từng đạt được (ít nhất 60%). Lãnh tụ tối cao Khamenei vốn hoài nghi về JCPOA và cho rằng, Mỹ cùng các đối tác tham gia đàm phán không đáng tin cậy kể từ khi ông Donald Trump rút lui khỏi thỏa thuận.
Trong trường hợp không có ứng cử viên nào đạt đa số phiếu, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất trong vòng đầu tiên sẽ bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai được tổ chức vào ngày 25-6. Người chiến thắng sẽ trở thành Tổng thống vào tháng 8, thay thế Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani.
THIÊN BÌNH