Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược và là thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Căn cứ không quân Incirlik tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng, là nơi đồn trú máy bay chiến đấu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hơn nữa, giữa Washington và Ankara còn gắn bó về thương mại và kinh tế.
Thế nhưng, vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa hai nước trải qua nhiều sóng gió. Nguyên nhân từ đâu?
Một là, giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có mục tiêu trái ngược nhau về lực lượng người Kurd. Trong khi mục tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn chặn lực lượng dân quân người Kurd ở Syria (YPG) thành lập vùng tự trị người Kurd sát biên giới nước này, Ankara xem lực lượng người Kurd là khủng bố, thì Mỹ hỗ trợ đắc lực cho YPG để thực hiện chiến lược địa chính trị ở Trung Đông, cụ thể là ở Syria, Iraq và Iran.
Những mâu thuẫn nói trên kéo dài trong nhiều năm qua và chưa có lời giải cụ thể, dù trong những thời điểm ngắn hạn, hai bên có những thỏa thuận riêng để giảm thiểu bất đồng. Nhưng về căn bản giữa Ankara và Washington có những mâu thuẫn gay gắt bởi mục tiêu khác nhau về lực lượng người Krud.
Hai là, tuy Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có những bước thăng trầm trong mối quan hệ, nhưng việc Ankara xích lại gần Moscow trong lĩnh vực kinh tế như năng lượng, đặc biệt là quân sự, làm Mỹ và các thành viên khác trong NATO tức giận. Đáng chú ý là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 và các loại vũ khí chiến lược của Nga càng phủ bóng lên mối quan hệ vốn không còn “mặn nồng” giữa Ankara và Washington. Đạo luật chi tiêu quốc phòng trị giá 716 tỷ USD của Mỹ vừa được thông qua còn có điều khoản cấm bán máy bay F-35 cho Ankara.
Ba là, sau khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi năm 2016, nhà lãnh đạo này tiến hành chiến dịch truy bắt hàng vạn binh lính, sĩ quan quân đội, cảnh sát, an ninh và các viên chức thuộc bộ máy công quyền bị nghi có liên quan. Đồng thời, giáo sĩ Fethullah Gulen - người Thổ Nhĩ Kỳ, đứng đầu tổ chức Fethullah (FETO) hiện sống lưu vong tại Mỹ - bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính. Ankara yêu cầu Washington dẫn độ ông Gulen nhưng bị từ chối.
Thêm vào đó, linh mục người Mỹ Andrew Brunson (50 tuổi) bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ 2 năm trước với cáo buộc làm gián điệp và đối mặt với mức án 35 năm tù nếu bị buộc tội. Ngoài ra, linh mục Brunson bị Ankara nghi ngờ có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd và FETO. Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả linh mục Brunson ngay lập tức nhưng Ankara bác bỏ.
Xung quanh sự kiện này, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, có bàn tay của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiếp sức cho lực lượng đối lập chống Tổng thống Erdogan để dựng lên một chính quyền thân Mỹ hơn, “dễ bảo” hơn, phục vụ cho chiến lược địa chính trị của Washington tốt hơn, nhất là trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga ở khu vực giữa hai lục địa Á - Âu này. Đây chính là gốc rễ của mọi bất đồng và làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, mặc dù Bộ Ngoại giao hai nước đang thảo luận giải quyết vụ linh mục Brunson bị bắt giữ, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt mức thuế tăng gấp đôi đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tác động ngay lập tức là đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị mất giá.
Động thái của Mỹ có thể đe dọa các lợi ích chiến lược của chính cường quốc này, trong đó có căn cứ quân sự Incirlik. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Jacob Funk Kirkegaard, chuyên gia thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận định, Nhà Trắng dường như sẵn sàng chấp nhận kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đồng minh chiến lược của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn làm đổ vỡ cuộc “hôn nhân” đồng minh chiến lược giữa Ankara với Washington và đây là thất bại của chính phủ Donald Trump, đồng thời đương nhiên đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga.
TUYẾT MINH