Sách giáo khoa lớp 1

Chương trình nặng, áp lực cho học sinh

.

Năm học mới bắt đầu được hơn 1 tháng, đây cũng là quãng thời gian cả nước “nóng” lên với Sách giáo khoa lớp 1 - Chương trình phổ thông 2018. Tại Đà Nẵng, môn Toán và Tiếng Việt được các trường tiểu học trên địa bàn ưu tiên chọn theo bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Môn Tự nhiên và Xã hội được tập trung vào bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Với môn Giáo dục thể chất, bộ “Cánh diều” đang chiếm phần lớn lựa chọn.

Giáo viên Trường tiểu học Lê Lai dạy môn Tiếng Việt theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NGỌC PHÚ
Giáo viên Trường tiểu học Lê Lai dạy môn Tiếng Việt theo bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nhiều người cho rằng, chương trình được đổi mới nhưng quá nặng, khô khan, gây áp lực cho giáo viên và phụ huynh, giảm hứng thú của con trẻ khi phải tiếp cận chương trình học quá sức.

Đánh vật với con chữ

Chị Lê Thị Trà (phụ huynh Trường tiểu học Hòa Phú, huyện Hòa Vang) cho biết, sách Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình mới khá nặng. Đối với học sinh miền núi, học sinh dân tộc thiểu số thì chương trình vượt quá sức. Hằng đêm, chị phải kèm con học đến 22 giờ mới cho con đi ngủ. “Chương trình những bài đầu đã dạy ghép âm, đọc tiếng. Nhiều đêm kèm con đọc mãi nhưng học trước quên sau, cả con và mẹ đều căng thẳng. Theo tôi, với chương trình này, ban đầu giáo viên nên dạy các con học thuộc chữ cái sau đó mới đánh vần”, chị Trà nói.

Cũng như chị Trà, đêm nào chị Nguyễn Thị Thảo (phụ huynh Trường tiểu học Hòa Phú) cũng dành 2 tiếng đồng hồ để kèm con học. Dẫu vậy, dù hơn 1 tháng vừa học online, vừa học trực tiếp nhưng con chị cũng chỉ mới biết đánh vần, chưa đọc được câu. “Nhiều âm, vần khó đọc, khó ghép nên đôi lúc phụ huynh cũng bó tay, không biết dạy con kiểu gì”, chị Thảo than vãn. Trong khi đó, chị Trần Thị Thu (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) nhận xét: “Chương trình sách Tiếng Việt 1 quá sức với học sinh đồng bào thiểu số. Bình thường các em tiếp thu chậm, khi học sách mới này càng khó tiếp thu hơn. Vì vậy, giáo viên cần phải có biện pháp dạy phù hợp”, chị Thu nói.

Chị Nguyễn Thị Hậu (phụ huynh Trường tiểu học Lê Lai, quận Ngũ Hành Sơn) cũng phàn nàn rằng, sách không phù hợp với lứa tuổi lớp 1. Nội dung chương trình phù hợp với lớp 2 hoặc lớp 3. “Đêm nào cũng ngồi học chung với con, nhưng thực sự phụ huynh rất khó dạy để con hiểu”.

Hạn chế áp lực cho học sinh

Nhiều giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp 1 khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nặng hơn chương trình cũ. Cô P.A. (một giáo viên có thâm niên dạy lớp 1) cho biết, đối với môn Tiếng Việt (mới) tốc độ đọc âm nhanh và học âm đan xen vần, trong khi học sinh chưa nắm rõ quy tắc chính tả. Đồng thời, tiếng, từ, câu ứng dụng dài, hệ thống các âm học không logic. Đối với chương trình cũ, từ bài 1 đến bài 27, học sinh mới đọc hết các âm, bao gồm âm đơn, âm ghép. “Do ảnh hưởng của Covid-19, việc học tập bị ảnh hưởng nên nhiều học sinh không thuộc bảng chữ cái, không biết cầm bút, không biết viết. Khi bước vào học chương trình mới rất vất vả cho cô và trò. Mỗi lớp trung bình có từ 8-10 em như vậy”, cô P.A. chia sẻ.

Không chỉ môn Tiếng Việt, nhiều giáo viên cho rằng, môn Toán cũng nặng không kém. Cô N.T.B (giáo viên dạy tiểu học ở quận Hải Châu) cho rằng, học sinh chưa biết đọc những câu lệnh dài và quá trừu tượng. Cô B. đưa ra ví dụ học sinh nhìn vào bức tranh sau đó trả lời các câu hỏi như: “Số vịt dưới nước nhiều hơn số vịt trên bờ”, “số vịt trên bờ ít hơn số mèo”; “số mèo bằng số vịt”. “Đối với học sinh lớp 1, những tuần đầu đang còn đánh vần thì làm sao các em đọc thông thạo các câu lệnh dài như vậy để tìm kết quả đúng. Vì vậy, giáo viên phải linh hoạt, hướng dẫn bằng các phương pháp sư phạm để các em dễ hiểu”, cô B. chia sẻ. Không chỉ vậy, theo các cô giáo, trong 1 tiết học mà học sinh lớp 1 đòi hỏi phải nhận biết 5 số. với các em là quá sức.

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, chương trình Tiếng Việt trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, chỉ quy định yêu cầu cần đạt vào cuối năm. Vì vậy, giáo viên được giao quyền tự chủ trong việc phân bổ chương trình phù hợp với điều kiện của trường, lớp và đối tượng học sinh, có quyền quyết định tiến độ dạy học và điều chỉnh nội dung phù hợp với từng đối tượng học sinh. Năm học 2020-2021, đối với cấp tiểu học trên địa bàn Đà Nẵng tiến hành trễ 2 tuần do Covid-19, lại thêm ảnh hưởng của mưa bão nên học sinh đã phải nghỉ học nhiều. Vì thế, Sở GD&ĐT đã kịp thời có văn bản chỉ đạo cũng như hướng dẫn trong sinh hoạt chuyên môn, yêu cầu thầy cô giáo, không nóng vội trong việc hoàn thành chương trình; khảo sát khả năng tiếp thu của học sinh để quyết định phương pháp và tiến độ giảng dạy phù hợp; chưa tiến hành dạy bù chương trình, không giao bài tập về nhà…, tránh gây áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh học sinh.

 NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.