Lan tỏa phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên

.

Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng thời gian qua phát triển mạnh, tạo sự hứng khởi, đam mê để sinh viên phát huy năng lực của mình, tạo ra những sản phẩm hữu ích, phục vụ cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (bìa phải) trao tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Đại học Đà Nẵng trong tháng 12-2020. Ảnh: ĐHĐN.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (bìa phải) trao tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” của Đại học Đà Nẵng trong tháng 12-2020. Ảnh: ĐHĐN.

Đam mê nghiên cứu ứng dụng

Năm học 2019-2020, Trường Đại học Kinh tế có gần 400 đề tài sinh viên NCKH; trong đó có 5 đề tài xuất sắc đoạt giải cấp Đại học Đà Nẵng, 2 đề tài đoạt giải sinh viên NCKH toàn quốc. Trong các đề tài xuất sắc đoạt giải, nổi bật là đề tài “Ảnh hưởng của giá trị quảng cáo trên mạng xã hội đến hình ảnh thương hiệu và dự định mua” của sinh viên Nguyễn Hồ Phương Quỳnh (Khoa Marketing) cùng đồng sự vừa đoạt giải quán quân. Đề tài NCKH của Phương Quỳnh đã tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng trong thời đại công nghệ số. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang chuyển dần từ kinh doanh thương mại truyền thống sang chia sẻ nguồn lực, qua đó nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nghiên cứu cũng tiến hành kiểm định ảnh hưởng của giá trị quảng cáo trên mạng xã hội đối với hình ảnh thương hiệu cũng như ý định mua hàng của khách hàng.

“Ban đầu mình nghĩ NCKH là tập trung vào những vấn đề vĩ mô, khô khan. Tuy nhiên, qua cách hướng dẫn của các thầy cô, sự hỗ trợ tích cực của nhà trường, mình hiểu NCKH gắn với những lợi ích, giá trị thực tiễn của cuộc sống, giúp người trẻ phát triển tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu thông tin và kỹ năng phân tích tổng hợp - 3 kỹ năng sinh viên thường yếu nhất. Ngoài ra, việc viết nghiên cứu còn giúp sinh viên rèn luyện tính kiên nhẫn, cách lập luận logic và cách chọn lọc từ ngữ để truyền tải nội dung đầy đủ nhất cho người đọc. Những giá trị đó giúp mình nuôi dưỡng đam mê NCKH nghiêm túc”, Phương Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, năm học 2019-2020, Trường Đại học Bách khoa triển khai 269 đề tài sinh viên NCKH với sự tham gia của 657 sinh viên. Phần lớn công trình, đề tài của sinh viên trường đều mang tính ứng dụng, sát với nhu cầu thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp. Theo Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa, sát cánh cùng sinh viên, các giảng viên đã định hướng các em tập trung nghiên cứu những thiết bị, sản phẩm sẵn sàng phục vụ hoạt động khởi nghiệp, sản xuất, đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, các lĩnh vực ứng dụng công nghiệp 4.0... Có thể kể đến những đề tài, sản phẩm như “Robot gắp thức ăn sử dụng tay gắp mềm”, “Hệ thống phân loại sản phẩm trên băng chuyền sử dụng robot delta kết hợp xử lý ảnh”, “Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải”, “Hệ thống điểm danh tự động dùng nhận dạng khuôn mặt”, “Vật liệu nano composite”, “Nhà ở theo hướng kiến trúc bền vững cho vùng lũ lụt”... Nhiều sản phẩm, giải pháp đề xuất của sinh viên được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo, tính ứng dụng, thân thiện môi trường, gần gũi với nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh tế hộ gia đình. Tại Hội nghị sinh viên NCKH toàn quốc năm 2020, sinh viên Trường Đại học Bách khoa đoạt 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.

Tại Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Ngoại ngữ, phong trào sinh viên nghiên cứu cũng được đầu tư và có sự phát triển mạnh mẽ. Kết quả nổi bật là tại Hội nghị sinh viên NCKH toàn quốc năm 2020, nhóm sinh viên Lê Văn Hiền, Huỳnh Thị Hạ Uyển, Huỳnh Tấn Thành (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đoạt giải Ba với đề tài: “Mối quan hệ giữa bị bắt nạt học đường, cách ứng phó và mức độ stress tâm lý của học sinh THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, sinh viên Lưu Ngọc Bảo Trang (Trường Đại học Ngoại ngữ) đoạt giải Khuyến khích với đề tài: “Nghiên cứu về thực trạng chuẩn bị và giải pháp ôn luyện cho kỳ thi IELTS đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên Sư phạm Tiếng Anh”...

Xây dựng môi trường sáng tạo cho sinh viên

PGS.TS Đặng Hữu Mẫn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế) cho biết, để góp phần hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên, nhà trường từng bước xây dựng môi trường học thuật, tạo điều kiện cho sinh viên trong trường tham gia các hoạt động NCKH ở các quy mô cấp trường, đại học đến cấp bộ và cấp Trung ương đoàn. Bởi, đây là sân chơi học thuật uy tín, qua đó nhà trường tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đóng góp giải quyết những vấn đề thực tiễn và phục vụ cộng đồng. Thông qua các cuộc thi NCKH, sinh viên Trường Đại học Kinh tế có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, học hỏi phương pháp tư duy khoa học, giải quyết vấn đề, phương pháp viết báo cáo khoa học, làm việc nhóm cũng như trình bày kết quả, ý tưởng khoa học. Từ những kiến thức, kết quả nghiên cứu đạt được, các bạn trẻ đam mê NCKH sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa các đề tài, từ đó ứng dụng vào thực tiễn cho công việc sau này.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, những năm qua, đơn vị rất quan tâm đến công tác NCKH của sinh viên. Mục đích của NCKH nhằm phát huy năng lực tư duy sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên; nâng cao khả năng NCKH độc lập, phương pháp làm việc nhóm để góp phần hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo. Tính từ năm 2015 đến nay, đã có hàng nghìn đề tài NCKH do sinh viên Đại học Đà Nẵng thực hiện, gần 50 công trình đoạt giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo .

Tiếp nối thành công từ năm học 2019-2020, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đã phát động Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”, năm học 2020-2021. Các lĩnh vực xét tặng trao giải thưởng bao gồm: Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Tự nhiên; Khoa học Xã hội và Nhân văn và Khoa học Y, Dược. Hiện các trường đang triển khai đến các khoa để sinh viên đăng ký đề tài NCKH và bắt tay vào thực hiện.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.